Hôm nay (19/10), tại thủ đô Vientiane, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, đã diễn ra Hội thảo quốc tế thường niên lần thứ năm về khoa học xã hội với chủ đề “Phát triển nguồn nhân lực khoa học xã hội trong bối cảnh hội nhập toàn cầu ở Lào, Việt Nam và Campuchia”. Đây là hội thảo quốc tế được tổ chức luân phiên hàng năm giữa ba Viện Hàn lâm của Việt Nam, Lào và Campuchia.

Tham dự hội thảo có Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Giáo sư Tiến sĩ Kikeo Kaikhamphitoun, Bí thư Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng khoa học quốc gia Lào; Phó Giáo sư Tiến sĩ Thongsalit Mangnomek, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Lào. Bên cạnh đó, là Chủ tịch các Viện Hàn lâm khoa học xã hội của Việt Nam-Lào-Campuchia, cùng hơn 100 giáo sư, nhà khoa học hàng đầu đến từ 3 nước; đại diện của Đại sứ quán Việt Nam và Campuchia tại Lào, đại diện của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và UNESCO.

vov_1_acdh.jpg
Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị.

Trong bài phát biểu đề dẫn hội thảo, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh lịch sử phát triển của các quốc gia đều khẳng định một thực tế là khoa học xã hội giữ vai trò trong việc lựa chọn định hướng và mô hình phát triển của quốc gia. Khoa học xã hội đã trực tiếp đem lại tri thức toàn diện trên các lĩnh vực (kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, quản lý, tôn giáo...) và có vai trò quan trọng trong việc hoạch định, hoàn thiện và thực hiện chủ trương, đường lối và chính sách phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Chính vì thế, nguồn nhân lực khoa học xã hội, với tư cách là chủ thể sáng tạo và tham gia trực tiếp vào việc thực hiện các mô hình phát triển đất nước là một trong những yếu tố quyết định sự thành công đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế đang diễn ra sâu rộng hiện nay, nguồn nhân lực khoa học xã hội đang đứng trước những thách thức mới. 

Thứ nhất, đội ngũ nhân lực khoa học xã hội phải nắm bắt nhanh nhạy các yêu cầu mà bối cảnh mới đặt ra, chẳng hạn các vấn đề đặt ra cho chiến lược phát triển, mô hình phát triển liên quan đến sự phát triển bền vững của quốc gia dựa trên sự phát triển hài hòa của các trụ cột kinh tế, xã hội, môi trường hợp lý. 

Thứ hai, đội ngũ nhân lực Khoa học xã hội cần có sự kết nối và hội nhập hiệu quả với mạng lưới nhân lực khoa học xã hội toàn cầu để giải quyết một cách hiệu quả các vấn đề đặt ra trong mối quan hệ phức tạp của quốc gia với cộng đồng quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa. 

Thứ ba, đội ngũ nhân lực Khoa học xã hội cần có nhận thức mang tính chiều sâu đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, từ đó, phát huy sức mạnh mềm của văn hóa quốc gia mình trong việc kết nối với cộng đồng quốc tế, giải quyết hài hòa sự phát triển của dân tộc với sự phát triển chung của nhân loại.

GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam phát biểu tại hội thảo.
 

Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Quang Thuấn nêu rõ: ba nước có những nét tương đồng sâu sắc về vị trí địa lý, về điều kiện lịch sử và những đặc trưng về văn hóa - xã hội, trong những năm qua, Việt Nam - Lào - Campuchia đã có sự hợp tác hiệu quả về phát triển nguồn nhân lực. Các chương trình hợp tác về đào tạo, giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển nguồn nhân lực đã diễn ra một cách khá sôi nổi với nhiều hình thức phong phú. Đứng trước những thách thức đặt ra trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, sự hợp tác về phát triển nguồn nhân lực Khoa học xác hội của ba nước đang đứng trước yêu cầu phải được đưa lên một tầm cao mới. Ba nước cần kế thừa các kết quả đã đạt được, tăng cường trao đổi, đa dạng hóa các hình thức hợp tác, chú trọng tính hiệu quả của các hình thức hợp tác về phát triển nguồn nhân lực Khoa học xã hội vì mục tiêu chung.

Sau phiên khai mạc sáng nay, Hội thảo tiến hành ba phiên thảo luận quan trọng như: Vai trò và tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực khoa học xã hội tại Lào, Việt Nam và Campuchia; Kinh nghiệm, phương hướng, hình thức và phương pháp đào tạo nguồn nhân lực khoa học xã hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Và phiến thảo luận Phương hướng hợp tác về phát triển nguồn nhân lực khoa học xã hội tại Lào, Việt Nam và Campuchia, do Giáo sư Tiến Sĩ Võ Khánh Vinh, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, nguyên Giám đốc Học viện Khoa học xã hội chủ trì.

Phát biểu tại phiên bế mạc hội thảo, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đánh giá cao công tác tổ chức của Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào với tư cách chủ nhà, sự đóng góp nhiệt tình và đầy trách nhiệm của lãnh đạo và các cán bộ nghiên cứu khoa học xã hội của ba Viện Hàn lâm.

Hội thảo đã nhận được các tham luận có chất lượng khoa học, các ý kiến trao đổi sôi nổi, thẳng thắn về phát triển nguồn nhân lực Khoa học xác hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Quang Thuấn nhấn mạnh, với các kết quả đã đạt được trong hội thảo lần này, chúng ta càng nhận thức rõ về vai trò của Khoa học và nguồn nhân lực khoa học xã hội đối với phát triển bền vững của từng quốc gia, hướng tới phát triển bền vững khu vực.

Đồng thời, sự đồng thuận trong nhận thức của các nhà khoa học đạt được trong hội thảo càng khẳng định mạnh mẽ vai trò quan trọng của hợp tác về khoa học trong việc tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa cộng đồng khoa học của ba nước, củng cố tình đoàn kết giữa ba nước trong ứng phó với những thách thức đang đặt ra cho mỗi nước và cả khu vực trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra sâu rộng hiện nay. Đây sẽ là cơ sở cho việc tổ chức hội thảo khoa học thường niên lần thứ sáu về khoa học xã hội sẽ diễn ra ở Campuchia vào năm 2017.

Cũng trong phát biểu tại phiên bế mạc hội thảo và thông báo về Hội thảo thường niên khoa học xã hội lần thứ sáu tại Siem Reap vào năm tới, Viện sĩ, Tiến sĩ Khlot Thyda, Chủ tịch Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia bày tỏ sự nhất trí cao với những kết luận của Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Quang Thuấn, đồng thời cảm ơn sâu sắc tới các cán bộ của Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào đã tổ chức hội thảo hết sức thành công.

Các nội dung hợp tác đã được đề xuất hết sức phong phú, sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hợp tác giữa 3 viện. Viện Hàn lâm Quốc gia Campuchia hân hạnh là chủ nhà tổ chức hội thảo thường niên lần thứ 6 tại Siem Reap với chủ đề trao đổi về lịch sử quan hệ 3 nước, mục tiêu nhằm tăng cường hiểu biết hơn giữa 3 nước nói riêng và cộng đồng ASEAN nói chung, góp phần thúc đẩy sự phát triển của mỗi quốc gia và khu vực.

Về phần mình, Giáo sư Tiến sĩ Soukkongseng Saingaleuth, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào bày tỏ sự nhất trí cao với các ý kiến phát biểu trong phiên bế mạc hội thảo của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia. Hội thảo cũng chỉ ra nhiều vấn đề cần tiếp tục quan tâm nghiên cứu trong thời gian tới. Chủ đề hội thảo khoa học thường niên lần thứ sáu sẽ tập trung vào quan hệ lịch sử văn hóa vùng biên giới ba nước. Hội thảo khoa học thường niên lần thứ năm về khoa học xã hội đã thành công tốt đẹp, góp phần tăng cường quan hệ đoàn kết, hợp tác giữa ba Viện Hàn lâm nói riêng và nhân dân ba nước Lào, Việt Nam, Campuchia nói chung./.