Bên lề Diễn đàn Kinh tế Phương Đông lần thứ 2 (EEF) được tổ chức tại Thành phố cảng Vladivostok, Nga, từ ngày 1/9, một cuộc hội thảo lớn về hợp tác giáo dục Đại học Nga – ASEAN. 

Hội thảo do Trường Đại học Liên Bang Viễn Đông và Học Viện Quan hệ Quốc tế Moskva phối hợp tổ chức với sự bảo trợ của Bộ Ngoại giao Nga, Bộ Khoa học và Giáo dục Nga và Quỹ “Roscongress” của Nga. Đây cũng là một trong loạt hoạt động lớn kỷ niệm tròn 20 năm thiết lập quan hệ Đối thoại Nga – ASEAN. 

vov_ht1_igta.jpg
Các diễn giả tại một tiểu ban trong Hội thảo hợp tác đào tạo Nga - ASEAN, hoạt động bên lề Diễn đàn Kinh tế phương Đông lần thứ 2.

Tham gia Hội thảo có các cán bộ Nhà nước cùng gần 140 hiệu trưởng, nhà khoa học và chuyên gia các trường Đại học hàng đầu của Nga và ASEAN cũng như giới doanh nghiệp trong và ngoài nước Nga.

Sau hội nghị cấp cao diễn ra tại Sochi hồi tháng 5 năm nay, chủ đề hợp tác Nga – ASEAN tiếp tục được phát triển tại Hội thảo lần này với những cuộc đối thoại nhằm xử lý các vấn đề trong quan hệ đa phương giữa Nga và ASEAN trên các lĩnh vực liên quan vì lợi ích của các bên cũng như vì an ninh khu vực, phát triển kinh tế, khoa học công nghệ, an ninh năng lượng và ứng nghiệm đổi mới. 

Đoàn đại biểu Việt Nam tại một trong những tiểu ban của Hội thảo về hợp tác đào tạo Nga - ASEAN.

Tham dự Hội thảo, đoàn đại biểu Việt Nam có đại diện của Bộ Giáo dục – Đào tạo, Trường Đại học Cần Thơ, Đại Học Quốc gia Hà Nội... đã tích cực trao đổi, thảo luận và tham luận những nội dung liên quan đến hợp tác Việt Nam – LB Nga trong lĩnh vực đào tạo, khoa học công nghệ... 

Ông Huỳnh Minh Chính, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Viễn Đông có bài tham luận tại tiểu ban 3 với chủ đề “Nga – ASEAN, những khả năng với kinh doanh và kinh doanh đào tạo”. Tham luận của ông Chính nhìn lại quá trình hợp tác giáo dục Đại học Việt Nam – Nga và khẳng định Hội thảo này là rất tốt cho việc thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác giáo dục Nga – Việt trong tương lai. 

Ông Huỳnh Minh Chính Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Viễn Đông. 

Nói về triển vọng này, ông Huỳnh Minh Chính nhấn mạnh: “Việt Nam và Nga đã có quá trình hợp tác rất lâu dài và có hiệu quả trong lĩnh vực đào tạo cán bộ và chuyên gia. Như đại biểu trường Đại học Giao thông Vận tải Matxcơva đã nhận xét, sự hợp tác của hai nước đạt kết quả hiệu quả cao. Hiện nay Việt Nam đang tiếp tục hợp tác với Nga trong đào tạo-giáo dục qua rất nhiều kênh – theo tuyến Hiệp định, kênh đào tạo của Nhà nước và qua các công ty. Triển vọng phát triển rất tốt. Đặc biệt trong thời gian tới điều kiện hợp tác của hai bên sẽ càng thuận lợi vì Việt Nam và Nga là đối tác chiến lược của nhau và đã ký kết Hiệp định về Vùng thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Á-Âu”.

Tham gia hội thảo ở tiểu ban “Hợp tác Các trường Đại học trong lĩnh vực Khoa học – công nghệ và ứng nghiệm đổi mới”, ông Trần Nam Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công Nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục – Đào tạo Việt Nam đánh giá: “Tôi cho rằng, diễn đàn này là một cơ hội rất tốt để các nhà khoa học Việt Nam, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ có cơ hội tiếp cận, làm việc trong môi trường ở các nước, trước hết là các nước phát triển, thứ hai là các nước có kinh nghiệm trong nghiên cứu, đào tạo trong lĩnh vực công nghiệp. Diễn đàn lần này cũng sẽ là cơ hội nữa rất lớn để các nhà khoa học tiếp cận với nhau, cùng làm việc với nhau. Đúng như tinh thần mà Bộ Giáo dục Đào tạo hướng đến là tạo sân chơi, môi trường làm việc cho các nhà khoa học, sự phối hợp và hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ trong và ngoài nước”. 

Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ và Môi trường - Bộ Giáo dục - Đào tạo Việt Nam tham gia Hội thảo.

Ngày 2/9 Diễn đàn Kinh tế Phương Đông lần thứ 2, tại Vladivosstok, Nga chính thức khai mạc và sẽ kéo dài trong 2 ngày với sự tham dự của Tổng thống Nga, đông đảo đại biểu từ các quốc gia châu Á cùng Tổng thống Hàn Quốc, Thủ tướng Nhật Bản. Chủ đề xuyên suốt của Diễn đàn lần này là thúc đẩy phát triển vùng Viễn Đông của Nga và thúc đẩy hợp tác với các quốc gia phía Đông Nga./.