Phát hiện này được đưa ra khi số ca nhiễm biến thể Omicron ở Anh tăng từ 101 ca lên 437 ca trong một ngày.

Phiên bản "tàng hình" có nhiều điểm chung với biến thể Omicron tiêu chuẩn, nhưng phiên bản này thiếu một biến đổi di truyền cụ thể khiến nó không thể được phát hiện bằng xét nghiệm PCR trong phòng thí nghiệm.

Các nhà nghiên cứu cho biết còn quá sớm để biết liệu phiên bản "tàng hình" có lây lan theo cách giống như phiên bản Omicron tiêu chuẩn hay không. Tuy nhiên, do có sự khác biệt về mặt di truyền nên phiên bản này có thể hoạt động khác.

Biến thể tàng hình lần đầu tiên xuất hiện trong các bộ gen virus từ Nam Phi, Australia và Canada trong những ngày gần đây, nhưng nó có thể đã lây lan rộng rãi hơn.

Các nhà nghiên cứu đã chia Omicron thành hai dòng sau khi phát hiện phiên bản mới, gồm phiên bản tiêu chuẩn gọi là BA.1 và phiên bản “tàng hình” là BA.2.

“Có hai dạng Omicron là BA.1 và BA.2, khá khác biệt về mặt di truyền. Hai dòng có thể hoạt động khác nhau”, Giáo sư Francois Balloux, Giám đốc Viện Di truyền Đại học London, cho biết.

Mặc dù phiên bản mới thuộc nhóm Omicron nhưng nó rất khác biệt về mặt di truyền nên có thể đủ tiêu chuẩn xếp vào danh sách biến thể đáng lo ngại nếu có khả năng lây lan nhanh chóng. Theo một nhà nghiên cứu, việc có hai biến thể Omicron, BA.1 và BA.2, xuất hiện liên tiếp là điều “đáng lo ngại”./.