Cuộc gặp là nhằm hướng tới việc nhanh chóng tổ chức tổng tuyển cử và đưa Libya thoát khủng hoảng 7 năm sau khi chính quyền Tổng thống Mouammar Kadhafi sụp đổ năm 2011.

macron_umpw.jpg
Tổng thống Pháp Macron. Ảnh: AP

Thông cáo của Phủ Tổng thống Pháp cho biết, nước này hy vọng có thể đạt được một cam kết cụ thể của các quan chức Libya nhằm chấm dứt khủng hoảng, đồng thời khẳng định, nỗ lực của Pháp nhận được sự ủng hộ của Đặc phái viên Liên Hợp Quốc Ghassan Salame.

Mười tháng sau cuộc gặp của đại diện các phe phái đối lập tại Libya, gồm Thủ tướng Fayez al-Sarraj và tướng về hưu Khalifa Hafta, một nhân vật có ảnh hưởng tại miền Đông Libya, người đứng đầu nước Pháp dường như đang muốn mở rộng bàn đàm phán, với sự tham gia của nhiều phe phái đối lập tại Libya hơn. 

Tại vòng đàm phán này, Tổng thống Emmanuel Macron cũng mời Chủ tịch Quốc hội Libya có trụ sở đặt tại thành phố miền Đông Tobrouk Aguila Salah, vốn không thừa nhận chính phủ đoàn kết quốc gia và người đứng đầu Quốc hội đối lập có trụ sở ở thủ đô Tripoli Khaled an Mechri.

Theo Văn phòng Tổng thống Pháp, cần phải có một cam kết chung sẵn sàng triển khai mọi nỗ lực có thể nhằm tổ chức các cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội từ nay đến cuối năm.

Lộ trình hòa bình mà Pháp đề ra cũng bao gồm việc thống nhất các lực lượng vũ trang và an ninh, cũng như thành lập một ngân hàng trung ương duy nhất và một Quốc hội duy nhất cho Libya.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người luôn coi Libya là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Pháp, hy vọng có thể cụ thể hóa những gì đạt được ở vòng đàm phán trước đó hồi năm ngoái.

Dù trên lý thuyết, Hội nghị Paris là một chiến thắng của nước Pháp khi cho thấy ít nhất về mặt ngoại giao, nước này cũng đang dẫn dắt cuộc chơi trong vấn đề Libya, song thực tế lại phức tạp hơn nhiều do sự chia rẽ sâu sắc không chỉ giữa các phe phái đối lập Libya, mà còn cả giữa các tác nhân khu vực, đặc biệt là các nước châu Âu./.