Nước Pháp hôm 13/11 tưởng niệm các nạn nhân các vụ khủng bố kinh hoàng tại thủ đô Paris và thành phố Saint-Denis vào tháng 11/2015 khiến 130 người thiệt mạng, trong lúc tiến trình điều tra đã kết thúc để chuẩn bị đem các thủ phạm ra xét xử.

khung_bo_paris_2015_yyih.jpg
Nạn nhân vụ khủng bố đẫm máu ở Paris năm 2015. Ảnh: Time.

Các hoạt động tưởng niệm bắt đầu từ 9h sáng 13/11 (theo giờ địa phương), khi nhiều người dân cùng các hiệp hội, các quan chức chính phủ đến đặt vòng hoa và thắp nến tại nhiều địa điểm diễn ra vụ khủng bố vào đêm 13/11/2015 như sân vận động Stade de France ở thành phố ngoại ô Saint-Denis, các quán cà-phê xung quanh quảng trường Cộng hoà ở quận 11 ở thủ đô Paris và tại nhà hát Bataclan, nơi ghi nhận số nạn nhân nhiều nhất.

4 năm sau ngày diễn ra các vụ khủng bố đẫm máu nhất trong lịch sử hiện đại nước Pháp, hiện công tác điều tra đã hoàn tất. Viện kiểm sát chống khủng bố Pháp hồi cuối tháng 10 thông báo, 5 thẩm phán chịu trách nhiệm lãnh đạo các cuộc điều tra đã hoàn tất công việc. Tiếp theo, Viện kiểm sát Pháp sẽ đưa ra lộ trình xét xử cụ thể các thủ phạm gây ra vụ khủng bố, dự kiến vào đầu năm 2021 trong một phiên toà lớn nhất từ trước đến nay.

Liên quan đến vụ khủng bố đẫm máu này, hiện tại có 11 nghi phạm bị giam giữ tại Pháp và Bỉ, 2 nghi phạm được tại ngoại có giám sát và 4 tên khác vẫn đang tiếp tục bị truy nã. Trong số những nghi phạm bị giam giữ, nổi bật nhất là Salah Abdeslam, kẻ khủng bố duy nhất còn sống sót trong mạng lưới những kẻ đã trực tiếp nổ súng vào đêm 13/11/2015.

Nhà chức trách Pháp cũng nhân dịp này lên tiếng kêu gọi dân chúng Pháp tiếp tục phải đề cao cảnh giác trước nguy cơ khủng bố vẫn đang thường trực ở mức cao do Pháp vẫn là một mục tiêu có giá trị.

Theo các chuyên gia an ninh Pháp, mối đe doạ khủng bố đối với nước Pháp hiện nay đã thay đổi, không còn trực tiếp đến từ các mạng lưới được tổ chức chặt chẽ từ bên ngoài như của tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” mà từ các cá nhân cực đoan trong nội bộ nước Pháp.

Chính quyền và dư luận Pháp hiện tại đặc biệt lo ngại nguy cơ an ninh đến từ các phần tử cực đoan mang quốc tịch Pháp đã bỏ trốn sang Syria nay bị trả về. Từ năm 2014 đã có hơn 1.300 công dân Pháp trốn sang Syria gia nhập tổ chức của IS và hiện vẫn còn 1000 người đang bị tạm giam ở Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ vừa tuyên bố sẽ trả những người này về quốc gia mà người đó mang quốc tịch, trong đó có ít nhất 11 người Pháp ngay trong tuần này./.