Ngày 23/5, bộ phận báo chí của sân bay Minsk (Belarus) đã thông báo hạ cánh khẩn cấp một máy bay Ryanair bay từ Athens đến Vilnius (Litva), sau thông báo về có mìn. Thông tin này sau đó chưa được xác nhận.

Điều đáng chú ý là trên máy bay có cựu tổng biên tập và là một trong những người sáng lập kênh NEXTA Telegram, được cho là một phần tử cực đoan ở Belarus, Roman Protasevich. Ông đã bị phía Belarus bắt giữ. Vụ việc đang gây ra phản ứng khác nhau từ cộng đồng quốc tế và giới chuyên gia.

Trong phản ứng mới nhất, sáng nay (24/5), thư ký báo chí của Bộ Ngoại giao Belarus Anatoly Glaz tuyên bố, hành động của phía Belarus trong tình huống hạ cánh khẩn cấp của hãng hàng không Ryanair hoàn toàn tuân thủ các quy tắc quốc tế, một số tuyên bố chỉ trích của các nước và tổ chức châu Âu là vội vàng và mang tính hiếu chiến. Bộ Giao thông và Truyền thông của Belarus thông báo rằng, các nhà chức trách Belarus đã thành lập một ủy ban điều tra tình huống máy bay Ryanair hạ cánh trên đường từ Athens đến Vilnius.

Trong khi đó, người phát ngôn chính thức của Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã bình luận  trên trang Facebook của mình rằng, Phương Tây, với hành vi tương tự của họ, không nên bị sốc trước vụ máy bay Ryanair ở Minsk. Bà nhắc lại vụ việc máy bay của Tổng thống Bolivia buộc phải hạ cánh xuống Áo theo yêu cầu của Mỹ và ở Ukraine sau 11 phút máy bay Belarus cất cánh cùng với nhà hoạt động chống Maidan. Theo bà, việc sử dụng thông tin và các chiến dịch chính trị để hình thành nhận thức phù hợp thông qua các phương tiện truyền thông không còn mang lại hiệu quả như mong muốn.

Giám đốc Viện Luật Hàng không và Vũ trụ AEROHELP, một chuyên gia trong lĩnh vực luật hàng không Oleg Aksamentov cho rằng, việc hạ cánh đột xuất của một máy bay chở khách Ryanair Athens-Vilnius tại sân bay thủ đô Belarus được thực hiện hoàn toàn tuân thủ các quy định đối với các chuyến bay quốc tế. Theo ông, việc hạ cánh khẩn cấp được thực hiện theo quy tắc, "ngay cả khi thông tin về mìn trên máy bay không đến từ phi hành đoàn, mà từ một bên thứ ba nào đó, bao gồm giấu tên."

Tổng biên tập của cổng thông tin Avia.ru Roman Gusarov khẳng định không thấy hành động của Belarus vi phạm các quy tắc hàng không quốc tế. Ông Gusarov lưu ý, việc hộ tống chiếc máy bay của tiêm kích MiG-29 cũng không trái với các tiêu chuẩn, vì không có bằng chứng nào cho thấy nó đe dọa máy bay hoặc thực hiện các động tác nguy hiểm.

Trước đó, Tòa án Tối cao Belarus vào ngày 20/10/2020 đã tuyên bố rằng, kênh Telegram NEXTA và biểu tượng của nó đã được công nhận là tài liệu cực đoan ở nước cộng hòa này và các cáo buộc chống lại những người sáng lập Stepan Putilo và Roman Protasevich về việc tổ chức bạo loạn hàng loạt và các hành động nhóm liên quan đến việc không tuân theo các yêu cầu pháp lý của chính quyền đại diện, cũng như kích động thù địch và bất hòa xã hội.

Vào tháng 2/2021, Belarus đã gửi tài liệu cho Ba Lan về việc dẫn độ Putilo và Protasevich. Ủy ban An ninh quốc gia của Belarus cũng đưa họ vào danh sách những cá nhân liên quan đến khủng bố. Theo điều 293 của Bộ luật Hình sự Belarus, Protasevich có thể phải đối mặt với 15 năm tù.

Trước đó, ngay sau khi vụ việc diễn ra, Latvia và Cộng hòa Séc đã quyết định phản đối Belarus. Hy Lạp, Áo, Mỹ, Ireland, CH Síp cũng lên án. Các nhà chức trách Bỉ đã kêu gọi cấm máy bay Belavia hạ cánh xuống sân bay của các nước EU. Đức nói rằng, Liên minh châu Âu sẽ buộc phải áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tổng thống Belarus A.Lukashenko. Văn phòng Ngoại giao Anh cũng cảnh báo Belarus về "những hậu quả nghiêm trọng." Nghị viện Châu Âu (EP) coi những gì đã xảy ra là khủng bố nhà nước và Tổng thống Belarus Lukashenko bị coi là một nhà độc tài. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg gọi vụ việc là nguy hiểm.

Người đứng đầu Cơ quan ngoại giao của EU, Josep Borrell, trước đó đã tuyên bố cần có một cuộc điều tra quốc tế về sự cố máy bay Ryanair hạ cánh. Theo ông Borrell, hành động của nhà chức trách Belarus đã "tạo ra nguy cơ đối với sự an toàn của hành khách và thành viên phi hành đoàn". Người đứng đầu cơ quan ngoại giao châu Âu cũng lưu ý rằng tình hình này sẽ được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh EU, diễn ra vào ngày 24-25/5 tại Brussels. Theo ông, EU sẽ xem xét hậu quả của những hành động này, bao gồm cả hành động chống lại những người chịu trách nhiệm về vụ việc./.