Theo Diplomat, vòng đầu tiên của phiên tranh tụng này sẽ diễn ra từ ngày 24-30/11 sau khi PCA tháng trước ra phán quyết rằng Tòa có quyền pháp lý để xét xử vụ việc này.

pca_dola.jpg
Một phiên tranh tụng tại PCA, Ảnh PCA

Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố sẽ không tham gia vào vụ kiện này. Trước đó, tháng 12/2014, Trung Quốc đã ra văn bản thể hiện quan điểm của mình rằng PCA không có đủ thẩm quyền để xét xử, vì theo Trung Quốc những gì mà Philippines kiện không thể được phân xử mà không xét đến chủ quyền của các nước, điều mà theo Trung Quốc là PCA không có quyền làm.

Tuy nhiên, phán quyết hồi tháng 10 của PCA về thẩm quyền của chính Tòa này trong vụ kiện của Philippines là một thất bại ban đầu của phía Trung Quốc bởi điều đó đồng nghĩa với việc PCA sẽ tiếp tục xét xử vụ này và lắng nghe phần trình bày của phía Philippines.

Trong tuyên bố chính thức của mình, Chính phủ Philippines cho biết, phái đoàn nước này tham gia tranh tụng có “tổng cộng 48 người, bao gồm 6 Đại sứ của nước này tại các nước châu Âu, các luật sư, chuyên gia, các nhân chứng và các nhân viên khác”.

Đoàn Philippines sẽ do Ngoại trưởng Albert del Rosario dẫn đầu cùng một số quan chức khác như Bộ trưởng các Vấn đề Chính trị Ronald Llamas và Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc phòng Hạ viện Philippines Rodolfo Biazon. Toàn bộ phái đoàn đã “chuẩn bị sẵn sàng để trình bày quan điểm của mình lên PCA”.

Trong khi đó, Bồi thẩm đoàn PCA bao gồm 5 thành viên: Thẩm phán Thomas A. Mensah là Chủ tọa cùng các Thẩm phán Jean-Pierre Cot, Stanislaw Pawlak, Rüdiger Wolfrum và Giáo sư Alfred H. A. Soons.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nhấn mạnh: “Quan điểm của Trung Quốc là cực kỳ rõ ràng, chúng tôi không chấp thuận và không tham gia vụ kiện”.

Ông Hồng Lỗi còn cáo buộc rằng, vụ kiện này là “một nỗ lực nhằm phủ nhận "chủ quyền và lợi ích" của Trung Quốc ở Biển Đông” và “phá vỡ sự nhất trí giữa Philippines và Trung Quốc trong việc thực thi Tuyên bố về cách ứng xử của các ben ở Biển Đông (DOC)”.

Bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, rất nhiều nước đã lên tiếng hoan nghênh vụ kiện này của Philippines và ủng hộ việc sử dụng luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.

Tổng thống Mỹ Barack Obama nhấn mạnh: “Điều quan trọng là phải tôn trọng nguyên tắc cơ bản là mọi tranh chấp cần phải được giải quyết theo luật pháp và thông lệ quốc tế một cách hòa bình”.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về hành động của Trung Quốc ở Biển Đông và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull cũng cảnh báo hành động của phía Trung Quốc sẽ gây phản tác dụng và làm tổn hại tới quan hệ với các nước láng giềng.

Tổng thống Philippines Benigno Aquino III cũng hối thúc Trung Quốc cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế: “Với việc đưa vụ kiện này ra PCA, chúng tôi cho thấy mình đã làm đúng luật và mong rằng Trung Quốc cũng tôn trọng những gì mình nói ra cũng như luật pháp quốc tế. Cả thế giới đang dõi theo mọi hành động của Trung Quốc và kỳ vọng Trung Quốc có thể cư xử như một nước lớn có trách nhiệm”.

Dù không cùng tham gia vụ kiện với Philippines, Indonesia cũng lên tiếng cảnh báo sẽ cân nhắc kiện Trung Quốc trong một vụ kiện riêng rẽ liên quan đến tranh chấp Biển Đông. Indonesia cũng cử quan sát viên đến dự phiên tranh tụng giống như Malaysia, Thái Lan và Nhật Bản.

Cộng đồng quốc tế cũng đang theo sát diễn biến vụ việc này bởi đây là lần đầu tiên diễn ra phiên tranh tụng về tính pháp lý của yêu sách đường 9 đoạn mà Trung Quốc đưa ra nhằm “nuốt trọn” Biển Đông.

Phán quyết cuối cùng sẽ được đưa ra vào năm 2016 và dù đã khẳng định sẽ phớt lờ mọi phán quyết của PCA, Trung Quốc cũng sẽ phải đối mặt với sức ép rất lớn của cộng đồng quốc tế nhằm buộc Trung Quốc phải tuân thủ phán quyết đó./.