Căng thẳng giữa Israel và Palestine vẫn không ngừng leo thang, khi hôm qua (25/5),  Thủ tướng Israel Netanyahu tuyên bố sẽ không bỏ lỡ “cơ hội” sáp nhập một số khu vực Bờ Tây, bất chấp việc nhiều bên phản đối. Hiện Palestine đã chấm dứt tuân thủ các thỏa thuận an ninh với Israel và Mỹ, không coi Washington là nhà trung gian hòa giải nữa; trong khi Nga tuyên bố sẵn sàng đứng ra tổ chức một cuộc đối thoại trực tiếp cho Palestine và Israel để giải quyết vấn đề.

b4_2.jpg

Căng thẳng Israel - Palestine ngày càng phức tạp. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm qua (25/5) tuyên bố Israel sẽ không bỏ lỡ cơ hội lịch sử để mở rộng chủ quyền đối với một phần Bờ Tây, đồng thời coi đây là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của chính phủ mới.

Phát biểu trong cuộc họp của Đảng Likud, ông Netanyahu cho biết: “Chúng tôi có một cơ hội lịch sử, đã tồn tại từ năm 1948, để áp đặt quyền chủ quyền một cách thận đối với khu vực Judea và Samaria. Đó là một cơ hội lớn mà chúng tôi sẽ không bỏ lỡ”.

Theo dự kiến, từ ngày 1/7 tới, Nội các mới của Israel sẽ thảo luận về vấn đề này. Tuy nhiên, hiện chưa rõ quan điểm chính thức về vấn đề  từ ông Benny Gant – Lãnh đạo Đảng Xanh  Trắng là một bên của chính phủ Liên minh Israel. Trong khi đó, dù ủng hộ việc sáp nhập này theo như những gì được viết trong bản Kế hoạch hòa bình Trung Đông do Mỹ soạn ra, song Ngoại trưởng nước này Mike Pompeo cũng phải khẳng định rằng, đây là “vấn đề phức tạp”, phụ thuộc chủ yếu vào chính phủ Liên minh Israel. Tuy nhiên, các bên Israel vẫn cần phải tham vấn thêm với Mỹ.

Từ nhiều tuần qua, Palestine, các nước châu Âu và Arab đều đã lên án, chỉ trích ý định sáp nhập 1 số khu vực Bờ Tây của phía Israel, coi đó là bước đi trái phép, vi phạm quyền chủ quyền của Nhà nước Palestine trong tương lai, vi phạm luật pháp quốc tế, phá vỡ giải pháp 2 nhà nước... Hiện Palestine đã tuyên bố chấm dứt hợp tác an ninh với Israel và Mỹ để phản đối kế hoạch này.

Hôm qua (25/5), Đại sứ Palestine tại Nga Abdel Hafez Nofal một lần nữa khẳng định, với Kế hoạch hòa bình Trung Đông, bao gồm ý định sáp nhập 1 số khu vực chiếm đóng cho phía Israel, phía Palestine đã không còn coi Mỹ là “nhà trung gian hòa giải” nữa. Theo vị quan chức Palestine, Mỹ đang cố áp đặt kế hoạch đơn phương của họ lên Palestine. Trong khi đó, ông lại bày tỏ sự tin tưởng vào vai trò và lập trường của Nga trong Bộ Tứ Trung Đông (gồm Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu, Mỹ và Nga) để giải quyết vấn đề.

Trước đó, Tổng thống Palestine Abbas cũng đã gửi thư cho Tổng thống Nga Putin và đề nghị Nga tổ chức 1 hội nghị quốc tế về vấn đề này tại thủ đô Moscow.

Ông Abbas khẳng định, Palestine sẵn sàng trở lại các cuộc đàm phán về xung đột giữa Palestine và Israel, với sự hòa giải của một bên thứ ba. Đáp lại, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov khẳng định, Nga luôn sẵn sàng đứng ra tổ chức cuộc gặp trực tiếp cho Tổng thống Palestine và Thủ tướng Israel, để giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, đây không phải là đề xuất mới bởi trong quá khứ đã có những lời đề xuất tương tự và thực tế cuộc gặp như vậy vẫn chưa thể diễn ra./.