Quốc hội Pakistan vừa giải tán sau khi kết thúc nhiệm kỳ năm năm. Sự kiện này đã mở đường cho việc thành lập Chính phủ lâm thời mới ở nước này để điều hành đất nước, thực hiện cuộc tổng tuyển cử dự kiến vào tháng 5 tới.

ashraf.jpg
Thủ tướng Pakistan, Ashraf (Ảnh Getty Images)

Sau khi Quốc hội giải tán đêm qua, một chính quyền lâm thời sẽ tiếp tục điều hành Chính phủ cho tới các cuộc tổng tuyển cử trong vòng 90 ngày. Thủ tướng Raja Pervez Ashraf sẽ vẫn điều hành chính phủ cho tới khi bầu được một thủ tướng lâm thời, dự kiến có thể mất vài ngày.

Trước đó, cũng trong ngày 16/3, Thủ tướng Ashraf cùng lãnh đạo 4 tỉnh ở Pakistan nhất trí sẽ tiến hành bầu cử Quốc hội và hội đồng tỉnh trong cùng một ngày.

Dù đây là lần đầu tiên trong lịch sử 66 năm qua, Quốc hội Pakistan làm việc tới hết nhiệm kỳ năm năm, song theo các nhà phân tích, điều này chỉ mang tính hình thức. Bởi trên thực tế, uy tín của Thủ tướng Ashraf, cũng như chính phủ của ông đã bị sụt giảm đáng kể khi đất nước vẫn phải đối mặt với các mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố và tình trạng suy thoái kinh tế.

Trong phát biểu kết thúc nhiệm kỳ được truyền hình trực tiếp, Tổng thống Ashraf thừa nhận, Chính phủ của ông đã không đáp ứng được mong muốn của người dân, song chính phủ đã nỗ lực hết sức để giải quyết các vấn đề và tăng cường nền dân chủ.

Ông nói: “Quả  thực, trong 5 năm qua chúng tôi đã không thể giải quyết hết những vấn đề của đất nước. Song chúng tôi luôn nỗ lực hết sức mình để kiểm soát các vấn đề còn tồn tại từ chính phủ tiền nhiệm, Chúng tôi đã sử dụng tất cả các nguồn lực để tăng cường các nền tảng dân chủ. Thành quả là nền dân chủ của chúng ta đã trở nên rất mạnh mẽ  và không gì có thể đánh bại trong tương lai.”

Trong phát biểu của mình, Thủ tướng Ashraf cũng bày tỏ tin tưởng tiến trình bầu cử sẽ diễn ra suôn sẻ. Ông kêu gọi các đảng phái chính trị, các cơ quan nhà nước, xã hội dân sự và truyền thông góp phần để các cuộc bầu cử tự do, công bằng và minh bạch này được diễn ra trong hòa bình.

Trên thực tế, 5 năm qua, chính phủ của Thủ tướng Ashraf đã trải qua không ít sóng gió, với một bộ máy quân đội vẫn giữ vai trò quan trọng trên chính trường và một Tòa án tối cao không còn ngần ngại tấn công những “bộ máy cao nhất”.

Mâu thuẫn giữa chính phủ dân sự nắm quyền và giới quân sự vẫn tiếp diễn âm ỉ và chực chờ cơ hội bùng phát. Bản thân ông Ashraf cũng đang phải đối mặt với lệnh bắt giữ của Tòa án tối cao vì cáo buộc vi phạm những quy định liên quan tới các dự án mua điện trong thời kỳ ông giữ chức Bộ trưởng Điện- Nước, gây thiệt hại nặng nền cho ngân sách quốc gia.

Đã có một số ý kiến cho rằng, quân đội và tòa án đang ngầm liên kết với nhau để kiềm chế quyền lực của chính phủ. Trong bối cảnh an ninh, kinh tế hiện nay, nếu bất ổn chính trị xảy ra và không được dàn xếp ổn thỏa, dư luận lo ngại sẽ xảy ra một cuộc khủng hoảng mới tại Pakistan./.