Nhật Bản là điểm dừng chân đầu tiên của người đứng đầu Nhà Trắng trong chuyến công du 5 quốc gia châu Á. Điều này một lần nữa khẳng định mối quan hệ đồng minh truyền thống chặt chẽ giữa 2 nước, đặc biệt trong bối cảnh tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

trump_nhat_ban_myff.jpg
Tổng thống Donald Trump đặt chân tới Nhật Bản. (Ảnh: Reuters)

Trong chuyến thăm Nhật Bản, Tổng thống Donald Trump thi đấu golf giao lưu với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Sau đó, ông Trump sẽ có cuộc hội đàm với Thủ tướng Abe, tập trung chủ yếu vào vấn đề tình hình trên bán đảo Triều Tiên và củng cố liên minh Mỹ-Nhật.

Phát biểu trước cuộc gặp với Tổng thống Trump, Thủ tướng Abe bày tỏ, đây sẽ cơ hội để tái khẳng định sự vững mạnh của liên minh Mỹ- Nhật Bản.

“Tôi hoan nghênh chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Trump đến Nhật Bản hôm nay”, ông Abe nói. “Tôi mong muốn thấy mối quan hệ hữu nghị cá nhân của chúng tôi sẽ giúp liên minh Mỹ- Nhật mạnh mẽ hơn. Chúng tôi cũng dành thời gian để nói nhiều về các vấn đề quốc tế, trong đó có tình hình trên bán đảo Triều Tiên.”

Có thể nói đến Nhật Bản lần này, nội dung chương trình nghị sự được cho là tập trung chính vào vấn đề tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.

Thủ tướng Abe đã từng cam kết sẽ có biện pháp mạnh mẽ để bảo vệ Nhật Bản cũng như chấm dứt các hành động khiêu khích từ Triều Tiên. Sau khi giành chiến thắng lớn trong cuộc bầu cử vừa qua, Thủ tướng Abe đang thúc đẩy nỗ lực để sửa đổi Hiến pháp, trong đó có việc “hợp thức hóa” Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Đây cũng là một nỗ lực mà chính quyền Tổng thống Trump có khả năng ủng hộ, vì nó sẽ giúp tăng cường khả năng quân sự răn đe với Triều Tiên.

Cả hai nước này cũng khẳng định duy trì tất cả các lựa chọn, bao gồm sử dụng vũ lực, để đối phó với chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

“Chúng ta sẽ không bao giờ khuất phục hay từ bỏ nỗ lực bảo vệ người dân, sự tự do và nước Mỹ”, ông Trump phát biểu trước binh lính Mỹ tại căn cứ không quân Yokota sau khi đến Nhật Bản. “Không có chính phủ hay quốc gia nào có thể đánh giá thấp ý chí của người dân Mỹ.”

Chuyến công du của Tổng thống Trump tới khu vực diễn ra ngay sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Rex Tillerson tới Ấn Độ, với những tuyên bố mở rộng hợp tác chiến lược giữa hai nền dân chủ lớn nhất thế giới này.

Theo giới quan sát, với những bước đi của Mỹ gần đây cho thấy chính quyền của Tổng thống Trump có thể đang áp dụng những thuật ngữ mới trong chính sách về khu vực.

Các quan chức của chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu không nói về Thái Bình Dương hay chính sách xoay trục châu Á như chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama tuyên bố trước đây mà bắt đầu áp dụng khái niệm  “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” (Indo - Pacific). Điều đó cho thấy Mỹ mong muốn châu Á là khu vực rộng lớn chứ không phải chỉ là “sân sau” của các nước Đông Á, trong đó có Trung Quốc.

Với chuyến thăm châu Á của Tổng thống Trump trong đó có Nhật Bản là cơ hội để chính quyền Mỹ  thực hiện chiến dịch, kêu gọi các đồng minh ủng hộ nỗ lực đối phó với sự gia tăng mạnh mẽ của Trung Quốc./.