Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier ngày 10/11 thông báo sẽ tới thăm Thổ Nhĩ Kỳ vào tuần tới, bất chấp những căng thẳng tiếp tục nảy sinh thời gian gần đây trong mối quan hệ vốn ngày càng “rạn nứt” giữa hai nước.

duc_acss.jpg
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier. (Ảnh: DPA)

Phát biểu trong một cuộc tranh luận tại Nghị viện, ông Steinmeier cho rằng, việc không tiếp tục các cuộc đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ về việc gia nhập Liên minh châu Âu (EU) sẽ gây tổn hại trước hết cho chính người dân Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Steinmeier cũng thông báo rằng, ông sẽ tới thăm Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 15/11, đồng thời nhấn mạnh việc tái áp dụng án tử hình ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng đồng nghĩa với sự kết thúc các cuộc đàm phán về tư cách thành viên của Thổ Nhĩ Kỳ trong EU

“Rõ ràng là nếu Thổ Nhĩ Kỳ tái áp dụng án tử hình thì đây sẽ là sự kết thúc không thể tránh khỏi đối với các cuộc đàm phán về gia nhập Liên minh châu Âu. Tuy vậy, tôi biết rằng nếu chúng ta đóng sầm cánh cửa với Thổ Nhĩ Kỳ ngay lúc này và vứt chìa khóa đi, thì chúng ta sẽ làm thất vọng nhiều người dân Thổ Nhĩ Kỳ- những người đang trông chờ được châu Âu giúp đỡ và hỗ trợ”, ông Steinmeier nói.

Ông Steinmeier nói thêm: “Chúng ta muốn có quan hệ tốt với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng thực tế đã thay đổi và chúng ta phải điều chỉnh chính sách cho phù hợp. Theo ý kiến của tôi điều này phải xuất phát từ cả hai phía. Chúng ta sẽ tiếp tục tìm kiếm các cuộc đối thoại với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí phải mạnh mẽ hơn trong thời gian tới”.

Căng thẳng giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ leo thang hồi tháng 6 vừa qua khi Hạ viện Đức bỏ phiếu thông qua nghị quyết đánh giá vụ thảm sát người Armenia dưới thời đế chế Ottoman năm 1915 là tội ác diệt chủng.

Mối quan hệ đầy sóng gió giữa hai bên thậm chí còn được ví như “chiếc cốc đã bị mẻ và không bao giờ hàn gắn lại được”, bởi theo giới quan sát, việc bị quy tội ác diệt chủng là điều Thổ Nhĩ Kỳ khó bỏ qua, không dễ gì quên đi và tha thứ.

Mâu thuẫn càng thêm sâu sắc khi các phương tiện truyền thông phương Tây, trong đó có giới truyền thông Đức, gần đây liên tục “chĩa mũi dùi” vào Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ra tức giận trước những bản tin của truyền thông Đức khi cáo buộc rằng cuộc đảo chính bất thành hồi giữa tháng 7 vừa qua tại Thổ Nhĩ Kỳ là “màn kịch” do chính ông Erdogan dựng lên.

Trong khi đó, ông Erdogan lại tỏ ra nghi ngờ các nước phương Tây, trong đó có Đức đã nhúng tay vào âm mưu đảo chính quân sự tại nước này.

Một rào cản lớn nữa trong mối quan hệ giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ là vấn đề người tị nạn. Đức khó chịu khi Thổ Nhĩ Kỳ vẫn lần lữa trong việc thực hiện các điều khoản của thỏa thuận nhằm bảo vệ EU trước làn sóng người tị nạn.

Chưa hết, ngày 3/11, Tổng thống Erdogan  lên tiếng tố Đức là “thiên đường của khủng bố” khi cho rằng, nước này chứa chấp các chiến binh thuộc đảng Công nhân người Kurd (PKK) trong ba thập kỷ qua, trong đó có phe cánh tả DHKP-C, từng tấn công vũ trang vào Thổ Nhĩ Kỳ.

Dễ dàng nhận thấy, bất đồng chồng chất bất đồng, hai bên liên tục đổ lỗi cho nhau, khiến mối quan hệ giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn và có nguy cơ đi vào "ngõ cụt"./.