Chính phủ mới tại Hy Lạp bắt đầu hoạt động từ ngày 28/8 và ngay lập tức chứng kiến làn sóng biểu tình chống các biện pháp thắt lưng buộc bụng mà Hy Lạp đang theo đuổi để đổi lấy cứu trợ tài chính quốc tế.           

Bà Vassiliki Thanou, 65 tuổi, Chánh án Tòa án Tối cao Hy Lạp ngày 27/8 đã được chỉ định làm Thủ tướng tạm quyền của nước này và đã tuyên thệ nhậm chức.

thanou_leim.jpg
Bà Vassiliki Thanou tuyên thệ nhậm chức. Ảnh Reuters

Sau lễ tuyên thệ, bà Thanou đã tới Văn phòng Thủ tướng và được cựu Thủ tướng Alexis Tsipras chào đón và bàn giao nhiệm vụ.

Ông Tsipras nói: “Tôi rất vui mừng chào đón nữ Thủ tướng đầu tiên trong lịch sử Hy Lạp và đây là một bước tiến quan trọng. Tôi tin rằng, chính phủ của bà Thanou sẽ đáp ứng các nhiệm vụ trong thời điểm quyết định của đất nước”.

Là người theo chủ trương chống thắt lưng buộc bụng, nữ Thủ tướng tạm quyền của Hy Lạp đã công khai chỉ trích việc cắt giảm lương trong bộ máy tư pháp nhằm làm hài lòng các chủ nợ quốc tế là Liên minh châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế.

Nội các mới của bà Thanou sẽ chính thức hoạt động từ ngày hôm nay, nhằm đảm bảo Hy Lạp sẽ tổ chức tổng tuyển cử trong khoảng 3 tuần tới. Điều này đồng nghĩa với việc bà Thanou không có thẩm quyền để thực hiện các biện pháp chống thắt lưng buộc bụng.

Trong cuộc bàn giao với ông Tsipras, bà Thanou nói: “Bản thân tôi và các thành viên chính phủ tạm quyền sẽ làm hết sức để thực hiện tốt nhất và hiệu quả nhất nhiệm vụ của mình”.

Cùng ngày hôm qua, hàng nghìn người dân Hy Lạp đã đổ xuống các đường phố ở trung tâm thủ đô Athens tham gia cuộc tuần hành chống các biện pháp thắt chặt kinh tế do Đảng Cộng sản Hy Lạp tổ chức.

Dù đạt thỏa thuận cứu trợ đưa đất nước thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ, nhưng ông Tsipras lại không giành được đa số ủng hộ tại Quốc hội để thực thi các cam kết cải cách với các chủ nợ quốc tế.

Điều này khiến ông Tsipras đệ đơn từ chức và kêu gọi tiến hành cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn. Ông cho rằng, Quốc hội hiện nay không thể giúp Chính phủ Hy Lạp có được đa số và không tạo nên một chính phủ đoàn kết dân tộc.

Theo kế hoạch, Tổng thống Hy Lạp Prokopis Pavlopoulos cuối tuần này sẽ công bố thời điểm tổ chức tổng tuyển cử, nhiều khả năng là vào ngày 20/9 tới. Đây sẽ là cuộc tổng tuyển cử thứ 5 trong vòng 6 năm qua ở Hy Lạp.

Tuyên bố yêu cầu hỗ trợ tài chính từ Liên minh châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế từ năm 2010, cùng cam kết Hy Lạp sẽ chấm dứt nợ công vào cuối năm 2014, song đến nay “xứ sở thần thoại” vẫn đang chật vật trong khủng hoảng tài chính và người dân tiếp tục chìm trong cơn ác mộng thắt lưng buộc bụng.

Hậu quả của những năm thắt chặt tài chính để đổi lấy gói cứu trợ quốc tế là tỷ lệ nghèo tại Hy Lạp đã tăng lên hơn 20%, tỷ lệ thất nghiệp lên 25%, trong đó cứ 2 thanh niên thì có 1 người không có việc làm.

Những cuộc biểu tình bạo lực đã bùng phát tại Hy Lạp gây ra nhiều thương vong. Hàng nghìn doanh nghiệp và cửa hàng tại Hy Lạp đã phải đóng cửa trong cơn bão tài chính dai dẳng này. Người dân Hy Lạp đã quá mệt mỏi với 5 năm thắt chặt kinh tế và giờ đây họ đang phải trở lại “cơn ác mộng này” thêm 5 năm nữa, với các điều kiện mà Hy Lạp phải đáp ứng còn khắt khe hơn./.