Anh hôm qua (21/3) thông báo giới hạn việc mang các thiết bị điện tử có kích thước lớn trên các chuyến bay đến nước này từ một số quốc gia Trung Đông và Bắc Phi, trong khi Pháp và Canada cũng đang xem xét bước đi này.

may_bay_pxnp.jpg
(Ảnh minh họa: KT)

Quyết định của Anh đưa ra ngay sau khi Mỹ chính thức thông báo cấm một số thiết bị điện tử từ 10 sân bay, chủ yếu từ Trung Đông. Đây là những biện pháp mới nhất mà các quốc gia này áp dụng nhằm đối phó với các mối đe dọa khủng bố gia tăng.

Theo thông báo của Anh,  những hành khách sẽ không được mang điện thoại thông minh, máy tính bảng hay máy tính xách tay có chiều dài lớn hơn 16cm,chiều rộng 9,3 cm và dầy 1,5 cm  vào khoang hành khách.

Người phát ngôn của Thủ tướng Anh cho biết, an toàn và an ninh cho các chuyến bay là ưu tiên hàng đầu. Do đó chính phủ  cần đưa  ra các biện pháp hiệu quả, cần thiết và thích hợp.

Mỹ trước đó cũng thông báo áp đặt lệnh cấm mang các thiết bị điện tử cỡ lớn lên máy bay tới Mỹ từ 10 sân bay tại 8 nước có đông người Hồi giáo tại Trung Đông và Bắc Phi. Theo qui định, những thiết bị lớn hơn một chiếc điện thoại di động như máy tính bảng, máy nghe đĩa DVD hay máy tính xách tay và trò chơi điện tử sẽ bị cấm mang lên khoang hành khách. Quyết định này được đưa ra sau khi có thông tin những nhóm khủng bố muốn cài các thiết bị nổ trong những thiết bị điện tử.

Một chuyên gia phân tích an ninh hàng không tại Anh cho biết: Quyết định của Anh và Mỹ đưa ra với việc các bên đều có những thông tin tình báo quan trọng về việc các nhóm khủng bố đang cố gắng cài đặt các thiết bị nổ trong những thiết bị điện tử cỡ lớn. Những thiết bị như máy tính bảng, laptop sẽ dễ có nguy cơ sử dụng hơn. Do đó những biện pháp này cần được đưa ra để ngăn chặn vụ việc giống như tại Somali vào năm ngoái.

Đây là động thái mới nhất của chính quyền Mỹ nhằm siết chặt an ninh tại các biên giới của nước này. Các quan chức Mỹ cũng cho biết, qui định mới không liên quan đến lệnh hạn chế nhập cảnh gần đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Mặc dù lệnh cấm mới nhất này có thể không gây ra làn sóng giận giữ như sắc lệnh hạn chế nhập cảnh đối với công dân 6 nước có đa số người Hồi giáo gần đây, nhưng cũng gây không ít phiền toái cho các khách hàng.

Chắc chắn sẽ có những chỉ trích và phàn nàn không chỉ từ những hành khách hay một số nhóm nhân quyền, mà có thể từ chính phủ các quốc gia trong lệnh cấm, khi một lần nữa các nước có đông người Hồi giáo lại nằm trong danh sách cấm của nước Mỹ.

Bộ trưởng Giao thông Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Arslan cho rằng, đây không phải là bước đi đúng đắn và Mỹ nên xem xét lại.  Tuy nhiên, với những vụ tấn công khủng bố liên tiếp gần đây tại châu Âu do những người nhập cư Syria hay các nước khác thuộc khu vực Trung Đông thực hiện, thì chắc chắn  biện pháp mới nhất của Anh và Mỹ hay một số nước khác đưa ra chỉ là một phần trong hàng loạt giải pháp an ninh tiếp theo để bảo vệ đất nước trước các mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố./.