Từ nhiều năm nay, Nepal- một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, đã “xuất khẩu” người trẻ ra nước ngoài nhằm tìm kiếm việc làm. Sau động đất, lại càng có nhiều người trẻ tuổi rời bỏ quê hương ra nước ngoài làm việc với trọng trách là chiếc phao cứu sinh cho gia đình. Điều này khiến Nepal sẽ gặp nhiều khó khăn khi thiếu hụt lực lượng lao động trẻ để tái thiết đất nước sau thảm họa động đất.
Smriti Bastola, 16 tuổi, là một trong số ít những người trẻ tuổi còn ở lại làng Khadka Tole. Nhà của cô vốn bị hư hại nặng sau động đất, hai anh trai đã rời bỏ nhà cửa ra bên ngoài kiếm việc làm phụ giúp gia đình, chỉ còn Bastola ở nhà để phụ giúp cha mẹ dựng lại nhà.
Ngôi làng Khadka Tole mà Bastola đang sống vốn chỉ cách thủ đô Katmandu khoảng 25km vốn nghèo khó trước khi động đất xảy ra thì nay lại càng tiêu điều. Điều đó đã buộc các thanh niên trong làng phải rời bỏ nhà cửa ra thủ đô Katmandu hoặc đến các nước vùng Vịnh kiếm việc làm giúp gia đình bất chấp những mạo hiểm và tương lai bất định trước mắt.
Bastola cho biết, tại làng cô, mỗi nhà ít nhất có một người đi ra ngoài kiếm việc: "Chúng ta đang sống một cuộc sống khốn khổ ở đây. Chúng tôi được giáo dục, nhưng tại đây chúng tôi đã không được sử dụng những kiến thức đã học, mà chỉ làm những công việc đồng áng".
Khi những người trẻ tuổi bỏ nhà đi kiếm việc, gánh nặng xây dựng nhà cửa đặt lên vai những người chấp nhận ở lại. Triveni Bastola-một người dân tại làng Sakhu-khu vực chịu tàn phá động đất cho biết: “Sau động đất tại Nepal, chúng tôi gặp phải rất nhiều vấn đề, nhiều người chết, nhiều ngôi nhà bị sập, nhưng nhiều thanh niên trong làng bỏ đi hết thì ai giúp đỡ chúng tôi xây dựng lại nhà cửa”.
Nghèo đói, chiến tranh cùng với nạn tham nhũng đã tạo được một sự bi quan sâu sắc trong giới trẻ Nepal. Trong một cuộc phỏng vấn trong tuần này, những thanh niên của Nepal nói rằng, sau trận động đất càng khiến họ có ý định phải thoát khỏi ly khỏi địa phương.
Hiện theo thống kê có khoảng 6 triệu người dân Nepal chiếm 22% dân số đang sống và làm việc ở nước ngoài, trong đó có khoảng 3 triệu người làm việc tại Ấn Độ và hơn 2 triệu người dân Nepal khác làm việc tại các nước vùng Vịnh và Malaysia. Lượng kiều hối mà họ gửi về chiếm khoảng 25% GDP.
Trước động đất, khoảng 1.500 người rời Nepal mỗi ngày để tìm kiếm một công việc ở nước ngoài. Theo Tổ chức di cư quốc tế (IOM), thảm họa này có thể khiến người Nepal ra nước ngoài lao động nhiều hơn vì nền kinh tế kiệt quệ.
Theo ông Nishchal Pandey - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nam Á, thì Nepal giống như đang bị già hóa khi những người trẻ tuổi đang đổ đến Qatar, Malaysia, Saudi Arabia làm việc. Khi mất đi những người lao động sung sức nhất thì nước này sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong công cuộc tái thiết đất nước./.