CNN dẫn lời Chủ tịch của Ủy ban trao giải Nobel hòa bình của Quốc hội Na Uy nói rằng: “Bộ tứ này được trao giải cho những đóng góp của họ trong cải cách dân chủ theo “Cách mạng hoa nhài” năm 2011”.

Bộ tứ này gồm 4 tổ chức: Tổng liên đoàn lao động Tunisia, Liên hiệp công nghiệp Tunisia, Tổ chức nhân quyền Tunisia và Hiệp hội luật sư Tunisia. Bộ Tứ này đã đóng vai trò trung gian hòa giải và thúc đẩy tiến trình dân chủ hòa bình ở Tunisia.

bobel_sydi.jpg
Giải Nobel hòa bình đã có chủ. (ảnh: Getty)

Trước khi giải được trao, xuất hiện nhiều ứng cử viên sáng giá, cụ thể là Giáo hoàng Francis và Thủ tướng Đức Angela Merkel.

TheoFoxNews, Giáo hoàng Francis, người đứng sau thỏa thuận lịch sử, bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ - Cuba hồi tháng 12/2014 là ứng cử viên hàng đầu của Giải Nobel Hòa bình năm nay. 

Tấm lòng bao dung sự đồng cảm của Giáo hoàng với những mảnh đời bất hạnh khắp nơi trên thế giới khiến hàng triệu người cảm phục ông và khiến hình ảnh của Giáo hoàng trở nên gần gũi với mọi người.

Theo New York Times, Thủ tướng Đức Angela Merkel mới là người xứng đáng đoạt giải Nobel Hoà bình 2015 bởi những hành động nhân đạo của bà với dòng người tị nạn vào châu Âu. Thủ tướng Đức cũng có đóng góp lớn trong việc thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn ở miền Đông Ukraine giữa chính phủ Kiev và lực lượng đối lập miền Đông.

Theo Reuters, có khoảng 273 cá nhân và tổ chức được đề cử giải Nobel Hòa bình 2015. Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos và lãnh đạo lực lượng đối lập cũng được cho là ứng cử viên vì đã góp công chấm dứt cuộc chiến 50 năm tại nước này.

Những cá nhân khác như Jean Nacatche Banyere, Jeanette Kahindo Bindu và Tiến sĩ Denis Mukwege là những người làm việc để giúp đỡ những nạn nhân bị hiếp dâm ở nước Cộng hoà Dân chủ Congo. Tai quốc gia châu Phi này, hiếp dâm được coi là “vũ khí” giành quyền làm chủ, vì vậy, việc hỗ trợ những nạn nhân được đánh giá là việc làm có ý nghĩa./.