Trong một dấu hiệu tích cực nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài gần 12 năm qua tại Afghanistan, Mỹ và Taliban ngày 18/6 tuyên bố sẽ tổ chức các cuộc đàm phán trong những ngày tới nhằm tìm một giải pháp chính trị cho tiến trình hòa bình tại quốc gia Nam Á. Nếu được thực hiện, đây sẽ là một nỗ lực ngoại giao quan trọng của Mỹ nhằm tiến tới bình định Afghanistan trong bối cảnh quân đội Mỹ sẽ rút về nước vào năm 2014. Tuy nhiên, liệu nỗ lực này có giúp Mỹ đạt được những kỳ vọng của mình hay không khi mà những bế tắc trong các cuộc đàm phán giữa Taliban và chính phủ Aghanistan-trở ngại lớn nhất trên con đường hòa bình, vẫn chưa thể tháo gỡ.
Taliban đồng ý đàm phán với Mỹ (Ảnh: AP) |
Theo Hãng thông tấn AP của Mỹ, trong tuần này, các đại diện của Mỹ và Taliban sẽ tổ chức các cuộc gặp song phương tại Qatar, nơi Taliban vừa mở văn phòng đại diện chính trị của mình tại đây.
Phái đoàn Mỹ tham dự cuộc đàm phán lần này bao gồm ông Douglas Lute, cố vấn chính của Tổng thống Obama về vấn đề Afghanistan và ông James Dobbins, đại diện đặc biệt của Bộ Ngoại giao Mỹ tại Afghanistan và Pakistan. Đại diện của Tổng thống Afghanistan cũng sẽ tới Qatar để tiến hành đàm phán với Taliban.
Tổng thống Mỹ Obama đã hoan nghênh tuyên bố đàm phán này, song cũng cho rằng tiến trình đàm phán sẽ không thể suôn sẻ: “Tôi hoan nghênh quyết định nhằm chấm dứt xung đột và xây dựng tương lai an ninh, hòa bình và thịnh vượng cho người dân Afghanistan. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực này của chính phủ Afghanistan. Mặc dù tiến trình này sẽ không dễ dàng và nhanh chóng, song chúng ta cần phải theo đuổi nó”.
Ông Obama cũng cho rằng việc mở một văn phòng chính trị của Taliban tại quốc gia vùng Vịnh Qatar như một bước đi quan trọng đầu tiên hướng tới mục tiêu của Mỹ và Afghanistan, đó là loại bỏ hoàn toàn sự liên kết giữa Taliban và al-Qaeda, vốn là nguyên nhân dẫn tới sự tham chiến của Mỹ tại quốc gia Nam Á kể từ tháng 10/2001.
Những động thái mới nhất của Taliban, từ việc mở văn phòng đại diện thứ 3, cho đến thỏa thuận đàm phán với Mỹ, đã cho thấy sự sẵn sàng của lực lượng này nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình tại Afghanistan. Động thái này của Taliban được hoan nghênh bởi nó đã phần nào xóa tan những lo ngại của Mỹ khi mà những nỗ lực của chính quyền Tổng thống Obama nhằm khởi động các cuộc đàm phán trong thời gian qua đã gần như thất bại khi phiến quân tăng cường các chiến dịch tấn công nhằm vào khu vực trung tâm thành phố và các căn cứ của chính phủ.
Taliban từ nhiều năm nay đã bác bỏ các cuộc đàm phán với chính phủ Afghanistan khi cho rằng chính quyền nước này chỉ là con rối của Mỹ. Người phát ngôn Taliban Mohammed Naeem cho biết: “Như chúng tôi đã nói, vấn đề của Afghanistan bao gồm 2 khía cạnh : nước ngoài và trong nước. Khía cạnh quan trọng nhất vẫn là khía cạnh nước ngoài, bởi Afghanistan và chính phủ nước này vẫn đang nằm dưới sự kiểm soát của nước ngoài. Chừng nào sự kiểm soát này chấm dứt thì mọi thứ mới có thể tiến về phía trước”.
Chính quyền Afghanistan cũng thừa nhận rằng tiến trình đàm phán với Taliban sẽ rất khó khăn và phức tạp bởi sự mất lòng tin giữa các bên, song cho biết sẽ tiếp tục thúc đẩy tiến trình này, kêu gọi Taliban phá vỡ mối quan hệ với al-Qaeda, từ bỏ bạo lực và chấp nhận hiến pháp của Afghanistan, trong đó bao gồm việc bảo vệ phụ nữ và các dân tộc thiểu số.
Rõ ràng, chính quyền của Tổng thống Obama đang thực hiện một chiến lược ngoại giao “sống còn”, vì lợi ích của Afghanistan và của cả Mỹ. Những nỗ lực này của Mỹ, nếu thành công, thì đây sẽ là chiến thắng lớn của chính quyền Obama, góp phần chấm dứt cuộc chiến kéo dài hơn 1 thập kỷ nay tại quốc gia Nam Á. Tuy nhiên, để làm được điều này đối với Mỹ không hề dễ dàng nếu như những hoài nghi giữa phiến quân Taliban và chính phủ Afghanistan vẫn còn tồn tại./.