Trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine đã sang tháng thứ 4 và vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu, lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ đã thách thức sự thống nhất của liên minh quân sự này.

Tổng thư ký Tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg hồi tuần này đã đến Washington, gặp Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin và nói chuyện với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nhằm thúc đẩy hồ sơ xin gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển. Sự phản đối của Ankara đã khiến nỗ lực của hai quốc gia Bắc Âu thực sự gặp khó, bởi hiệp ước thành lập NATO yêu cầu tất cả các thành viên khối cần phải nhất trí chấp nhận thành viên mới.

Theo các nhà phân tích, với vị trí chiến lược nằm dọc theo eo biển ở Anatolia, phía Nam Nga và phía Bắc của Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh quan trọng của NATO, song cũng là một thành viên khá cứng rắn. Vì vậy, phản ứng của NATO đối với Thổ Nhĩ Kỳ luôn thu hút được sự quan tâm. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, ông đã có một cuộc điện đàm mang tính xây dựng với Tổng thống Erdogan, đồng thời khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh “đáng giá” và ca ngợi những nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc thúc đẩy một thỏa thuận nhằm đảm bảo an toàn nguồn cung ngũ cốc từ Ukraine.

“Quyết định của Phần Lan và Thụy Điển xin gia nhập NATO là mang tính lịch sử. Với tư cách là những thành viên, Phần Lan và Thụy Điển sẽ củng cố NATO, củng cố mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương của chúng ta. Khi một đồng minh và ở đây là Thổ Nhĩ Kỳ, đưa ra lo ngại, thì cách NATO vẫn làm là ngồi xuống cùng nhau giải quyết những lo ngại đó và sau đó tìm ra một hướng đi thống nhất. Và đó chính xác là những gì chúng ta đang làm lúc này", ông Jens Stoltenberg nói.

Tuần tới, các quan chức cấp cao Thụy Điển, Phần Lan và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gặp nhau tại Brussels để thảo luận về các yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ cũng như lập trường của các bên liên quan. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã cảnh báo rằng việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO sẽ dẫn đến những rủi ro an ninh không chỉ cho Thổ Nhĩ Kỳ, mà chính liên minh quân sự này.

Một trong những lý do mà Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra để phản đối hồ sơ gia nhập của Thụy Điển và Phần Lan liên quan tới nhóm vũ trang mang tên Đảng Công nhân người Kurd, mà nước này liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố. Ankara cáo buộc Stockholm và Helsinki “chứa chấp” các nghi phạm  khủng bố và từ chối dẫn độ bất kỳ nghi phạm nào theo yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ. Sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến NATO không thể tiến hành cuộc bỏ phiếu đầu tiên về yêu cầu gia nhập liên minh của Thụy Điển và Phần Lan hồi giữa tháng 5 vừa qua./.