Bước đi này diễn ra trong bối cảnh có nhiều lo ngại Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump lên nhậm chức, sẽ có những bước đi đảo ngược tiến trình cải thiện mối quan hệ với Cuba.

Đại diện của Mỹ và Cuba ngày 18/1 đã kí một thỏa thuận song phương về việc phân định biên giới trên biển tại phần phía Đông Vịnh Mexico.

my_cuba_bloomberg_zbap.jpg
Tương lai về sự “tan băng” trong quan hệ Mỹ - Cuba có vẻ bấp bênh dưới thời chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Ảnh: Bloomberg.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ, hiệp ước này phù hợp với mục tiêu lâu dài của Mỹ là quyết tâm phân định các đường biên giới trên biển còn tồn đọng, thúc đẩy an toàn hàng hải và bảo vệ môi trường biển.

Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Cuba Marta Oramas cũng khẳng định, thỏa thuận này là bước đi tiếp theo nhằm thắt chặt mối quan hệ song phương: “Đây là một thỏa thuận đặc biệt nhằm thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác giữa hai bên trong các lĩnh vực giao thông hàng hải trong khu vực. Việc kí thỏa thuận này cũng là một bước đi tiếp theo trong tiến trình cải thiện quan hệ giữa Mỹ và Cuba.”

Đây là một trong số 20 thỏa thuận mà chính quyền Tổng thống Obama đặt mục tiêu sẽ kí với Cuba trước khi ông Obama rời nhiệm sở.

Trước đó, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề về Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Cuba Josefina Vidal cho biết, hai bên đã ký kết tổng cộng 18 thỏa thuận hợp tác song phương, trong đó văn bản mới nhất là thỏa thuận hợp tác pháp lý trong các lĩnh vực chống khủng bố, buôn bán ma túy, vũ khí, con người, động thực vật, rửa tiền và tội phạm mạng ...

Việc chính quyền của Tổng thống Obama đang gấp rút thực hiện các thỏa thuận với Cuba trong bối cảnh tương lai về sự “tan băng” trong quan hệ Mỹ - Cuba có vẻ bấp bênh dưới thời chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Ông Trump từng tuyên bố  đảo ngược quan hệ này, chấm dứt thỏa thuận trừ khi đạt được một thỏa thuận tốt hơn.

Theo đánh giá của giới phân tích, với những nỗ lực cuối cùng của chính quyền Tổng thống Obama,  quan hệ hợp tác Mỹ - Cuba càng sâu sắc, thì chính quyền mới càng khó để đảo ngược tiến trình.

Trong cuộc họp báo cuối cùng trên cương vị Tổng thống Mỹ hôm qua, ông Obama cũng bảo vệ quyết định khởi động tiến trình nối lại quan hệ với Cuba.

Ông Obama nói: “Điều chúng ta có thể thấy được là sự kết nối giữa người dân Cuba và Mỹ cũng như những thành công lớn mà cộng đồng doanh nghiệp hai bên thúc đẩy trong các hoạt động kinh tế thương mại song phương. Mỹ cũng đã quyết định xóa bỏ chính sách “chân ướt chân ráo” áp dụng đối với người nhập cư Cuba bởi vì chính sách này không còn ý nghĩa nữa khi quan hệ hai bên ngày càng phát triển và Mỹ - Cuba  nối lại các hoạt động đi lại.”

Thực tế mối quan hệ Mỹ - Cuba ấm lên đều mang lại lợi ích cho cả hai bên, đáp ứng sự mong đợi của người dân hai nước.

Mỹ có thể thu được các lợi ích về kinh tế và chính trị với những cá nhân và doanh nghiệp Mỹ đều được hưởng lợi nhiều hơn, người Mỹ có thể đến Cuba du lịch, xuất khẩu của doanh nghiệp Mỹ sang các địa phương của Cuba cũng trở nên dễ dàng hơn.

Còn với quốc đảo này, nối lại quan hệ với Mỹ là một trong những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trước những lợi ích này có thể bị xóa bỏ khi chính quyền mới của Mỹ đảo ngược tiến trình, nhiều tổ chức của Mỹ hôm qua đã gửi một bản ghi nhớ chung với tiêu đề “Chính sách của Mỹ đối với Cuba: giá trị của cam kết” tới Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, đề nghị ông tiếp tục tiến trình bình thường hóa mối quan hệ với Cuba sau khi lên cầm quyền từ ngày 20/1 tới.

Các tổ chức này đã chỉ ra những lợi thế của việc tiếp tục tái lập quan hệ với Cuba và những hậu quả tiêu cực có thể mang lại nếu tiến trình đó bị đảo ngược. Một số nghị sĩ Mỹ cùng hơn 100 doanh nghiệp Cuba trước đó cũng lên tiếng kêu gọi chính quyền của Tổng thống Donald Trump tiếp tục nỗ lực cải thiện quan hệ với Cuba./.