Triều Tiên hôm nay (2/5) đã bác bỏ khả năng đàm phán với Mỹ, một ngày sau khi Nhà Trắng tuyên bố đã hoàn thiện chiến lược ứng phó với Bình Nhưỡng. Theo đó, chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ thông qua “ngoại giao và răn đe nghiêm khắc” để buộc Triều Tiên phải từ bỏ các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Triều Tiên cảnh báo, Mỹ sẽ phải đối mặt với “tình huống rất nghiêm trọng”, đồng thời cho rằng Tổng thống Joe Biden đã phạm sai lầm khi trong bài phát biểu gần đây gọi Triều Tiên là “một mối đe dọa an ninh lớn” và cho thấy ý định tiếp tục duy trì chính sách thù địch chống lại Bình Nhưỡng. Theo Vụ trưởng Vụ Các vấn đề Mỹ của Bộ Ngoại giao Triều Tiên Kwon Jong Gun, tuyên bố của ông Joe Biden phản ánh rõ ý định của nhà lãnh đạo này tiếp tục thực thi chính sách thù địch đối với Triều Tiên như Mỹ đã làm trong hơn nửa thế kỷ qua. Một cách tiếp cận như vậy buộc Triều Tiên phải thúc đẩy các biện pháp tương ứng.
Dù không nêu rõ cụ thể những bước mà Triều Tiên dự định tiến hành, song tuyên bố của một trong những quan chức ngoại giao hàng đầu này của Triều Tiên có thể được coi là một nỗ lực nhằm gây áp lực lên chính quyền Tổng thống Joe Biden khi Mỹ đang định hình chính sách đối với Triều Tiên.
Trước đó ngày hôm qua (1/5), Nhà Trắng cho biết, các quan chức chính quyền Mỹ đã hoàn thành việc đánh giá chính sách đối với Triều Tiên, đồng thời nói rằng, ông Joe Biden có kế hoạch thay đổi cách tiếp cận so với 2 người tiền nhiệm gần đây nhất nhằm ngăn chặn chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki không nêu chi tiết cuộc đánh giá nhưng tiết lộ chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ kết hợp cân bằng “chính sách răn đe” của cựu Tổng thống Donald Trump và “sự kiên nhẫn chiến lược” của cựu Tổng thống Barack Obama.
Đây cũng là điều được Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đề cập mới đây: "Tổng thống Joe Biden có kế hoạch hoàn thành việc xem xét chính sách Triều Tiên trên cơ sở sự phối hợp chặt chẽ và tham vấn với Hàn Quốc, Nhật Bản và những đối tác quan trọng khác, bao gồm cả các lựa chọn gây sức ép và tiềm năng ngoại giao trong tương lai. Nhưng như chúng tôi đã nói, mục tiêu của chính sách này rất rõ ràng. Đó là quyết tâm phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, giảm thiếu mối nguy cơ rộng lớn hơn với Mỹ và các đồng minh, cũng như cải thiện điều kiện sống của tất của người dân, bao gồm cả người dân Triều Tiên”.
Sau một loạt vụ thử hạt nhân và tên lửa hồi năm 2016-2017, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã có 3 lần gặp gỡ cấp cao với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump để thảo luận về tương lai kho vũ khí hạt nhân của nước này. Tuy nhiên, tiến trình ngoại giao này đã lâm vào bế tắc trong suốt 2 năm qua do những khác biệt liên quan tới việc dỡ bỏ trừng phạt để đổi lấy các bước phi hạt nhân hóa của Triều Tiên.
Theo Giáo sư Leif-Eric Easley thuộc Đại học Ewha ở Seoul, nếu Triều Tiên đồng ý đàm phán mà trước tiên là ở cấp độ chuyên viên, thì xuất phát điểm của các cuộc thảo luận sẽ là việc Triều Tiên ngừng thử nghiệm và phát triển năng lực hạt nhân. Mặt khác, nếu Triều Tiên né tránh ngoại giao và lựa chọn các cuộc thử nghiệm mang tính khiêu khích, Mỹ có thể mở rộng thực thi các biện pháp trừng phạt và tăng cường tập trận với đồng minh. Một kịch bản như vậy sẽ đẩy quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên trở lại thời kỳ bờ vực của những năm 2016-2017./.