Cuộc tranh luận này đặc biệt được dư luận chú ý sau khi cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên được cho là hỗn loạn và không thực sự tập trung vào các vấn đề mà cử tri quan tâm.
Cuộc tranh luận tối 7/10 giữa ứng cử viên Kamala Harris của đảng Dân chủ và ứng cử viên Mike Pence của đảng Cộng hòa được tổ chức dưới sự điều phối của bà Susan Page, Chánh văn phòng của hãng tin USA Today. Cuộc tranh luận diễn ra khá trật tự với các ứng cử viên phần lớn thời gian ít khi chen ngang hoặc cắt lời nhau trong khi người điều phối đã thực hiện khá tốt vai trò của mình.
Các bên đều dùng thời gian tranh luận để công kích các chính sách của mỗi ứng cử viên Tổng thống đồng thời nêu bật những ưu điểm của liên danh tranh cử của mình. Các nội dung thảo luận bao gồm: Covid-19, vai trò của Phó Tổng thống, kinh tế, biến đổi khí hậu, chính sách đối ngoại, Tòa án Tối cao, sắc tộc và hiện trạng của cuộc bầu cử.
Không nằm ngoài dự đoán, chủ đề được nêu đầu tiên và là chủ đề chính vẫn tiếp tục là Covid-19, dịch bệnh đã khiến hơn 211.000 người ở Mỹ tử vong và 7,5 triệu người bị lây nhiễm. Bà Harris đã gọi cách ứng phó với Covid-19 của chính quyền Tổng thống Trump là thất bại lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ đồng thời cáo buộc chính quyền đã che giấu mức độ nguy hiểm của virus trong thời gian đầu dịch bệnh.
Trong khi đó, Phó Tổng thống Mike Pence đã bảo vệ cách xử lý dịch bệnh Covid-19 của chính quyền Tổng thống Trump, đặc biệt khi ông Pence là người đứng đầu nhóm đặc trách chống Covid-19 của Nhà Trắng. Ông Pence cũng cáo buộc Thượng nghị sỹ Harris đã chơi quân bài chính trị đối với mạng sống của người dân khi bà Harris nhấn mạnh sẽ không sử dụng vaccine ngừa Covid-19 nếu được phê duyệt bởi Tổng thống Trump.
Liên quan tới việc đề cử Chánh án Tòa án Tối cao Mỹ, bà Harris đã tránh trả lời liệu mình có ủng hộ việc mở rộng Tòa án Tối cao hay không. Bà Harris cho rằng việc đề cử một Chánh án Tòa án Tối cao trong bối cảnh chỉ còn 27 ngày nữa là tới ngày bầu cử là một việc không nên làm. Bà Harris cho rằng người dân phải có tiếng nói trong việc này, do đó chỉ nên thực hiện sau ngày bầu cử.
Bà Harris cũng chỉ trích chính quyền Tổng thống Trump trong việc tìm cách loại bỏ chương trình chăm sóc sức khỏe giá phải chăng Obamacare và cáo buộc điều này đã khiến hàng triệu người không được tiếp cận với bảo hiểm y tế. Trong khi đó, ông Pence cho rằng Obamacare là một thảm họa và ông và Tổng thống Trump có một kế hoạch chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho người dân Mỹ. Cả hai ứng cử viên đều tranh luận khá gay gắt trong việc giảm thuế cho người dân.
Về chính sách đối ngoại, bà Harris chỉ trích chính quyền Tổng thống Trump đã coi các đối thủ bao gồm Nga là bạn, quay lưng với các đồng minh NATO và rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran cũng như cuộc chiến thương mại với Trung Quốc khiến Mỹ mất nhiều việc làm. Để đáp lại, ông Pence đã nhấn mạnh các cam kết của Tổng thống Trump như việc dời sứ quán Mỹ ở Israel về Jerusalem, thúc đẩy việc thực hiện cam kết 2% chi tiêu quốc phòng trong NATO, tiêu diệt Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng và các thủ lĩnh của Tổ chức này từng gây thiệt hại về người cho nước Mỹ.
Liên quan tới câu hỏi về cam kết chuyển giao quyền lực hòa bình, cả hai ứng cử viên đều tránh trả lời trực tiếp. Ông Pence khẳng định mọi mối lo ngại về việc chuyển giao quyền lực hòa bình đều không có cơ sở và Tổng thống Trump sẽ thắng cử. Trong khi đó bà Harris nhấn mạnh tới sức mạnh của liên danh tranh cử với cựu Phó Tổng thống Joe Biden và kêu gọi người dân Mỹ đi bỏ phiếu.
Đây là cuộc tranh luận đầu tiên và duy nhất giữa hai ứng cử viên cho vị trí Phó Tổng thống Mỹ. Mặc dù sự kiện này được dư luận chú ý nhưng trong lịch sử bầu cử Mỹ, các cuộc tranh luận Phó Tổng thống thường không có ảnh hưởng nhiều tới quyết định của các cử tri. Các sự kiện tiếp theo trong quá trình bầu cử Mỹ sẽ là hai cuộc tranh luận Tổng thống vào ngày 15/10 và 22/10./.