Tiến trình chuẩn bị cho cuộc bầu cử bắt đầu từ cuối năm 2009, với sự tham dự của 2 đảng lớn của Mỹ là Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ cùng nhiều đảng nhỏ hơn (thường được gọi gộp là “bên thứ 3”). Theo dòng thời gian, các ứng viên tự do và các ứng viên của “bên thứ 3” lần lượt tự thoái lui để nhường bước cho 2 “ông lớn” Cộng hòa và Dân chủ.

Trong nội bộ Lưỡng đảng Cộng hòa và Dân chủ cũng diễn ra cuộc ganh đua sôi nổi để tìm ra các ứng viên cho các vị trí Tổng thống và Phó Tổng thống trong cuộc bầu cử thứ 57.

bau%20cu%20my%202012.jpg
(ảnh: westhart)

2009

12/10/2009: Ngoại trưởng Hillary Clinton (thuộc đảng Dân chủ) tuyên bố dừng lại trong chiến dịch tranh cử 2012.

2011

4/4/2011: Đương kim Tổng thống Obama nộp hồ sơ lên Ủy ban Bầu cử Liên bang và tuyên bố ông ra ứng cử làm ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ và tái tranh cử làm tổng thống nhiệm kỳ 2.

11/4/2011: Mitt Romney, cựu Thống đốc Bang Massachusetts, tuyên bố về việc thành lập một ủy ban chuẩn bị cho khả năng chạy đua làm ứng viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa.

2/6/2011: Mitt Romney chính thức công bố ông ra ứng cử làm ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa.

2012

Trong tháng 1/2012, các ông Obama và Romney giành thắng lợi ở các cuộc bầu chọn nội bộ trong đảng mình ở cùng bang hoặc khác bang (Iowa, New Hampshire, Nevada, Nam Carolina, Florida, Missouri, Arizona…).

Từ 27-30/8/2012, Đại hội Toàn quốc của Đảng Cộng hòa tổ chức tại Florida đề cử Romney và Paul Ryan tương ứng vào các vị trí ứng viên Tổng thống và Phó Tổng thống.

Từ 3-6/9/2012, ông Obama và Joe Biden được Đại hội Toàn quốc Đảng Dân chủ (tổ chức ở Bắc Carolina) đề cử làm ứng viên Tổng thống và Phó Tổng thống.

Tháng 10/2012

Tháng này chứng kiến những hoạt động tranh cử sôi nổi của 2 ứng viên Tổng thống Mỹ 2012 và các vị phó tướng của họ. Trong tháng cũng diễn ra những cuộc tranh biện nảy lửa giữa ông Obama và ông Romney.

3/10/2012: Trận đối đầu trực diện đầu tiên giữa 2 ứng viên Tổng thống, về vấn đề chính sách Đối nội, tổ chức tại Đại học Denver ở Colorado. Cho đến thời điểm này hai ông mới chỉ gặp mặt nhau có vài lần. Trong trận này, với ưu thế về tỷ lệ ủng hộ có từ trước đó, ông Obama chơi phòng ngự và chủ động để cho ông Romney bộc lộ sơ hở. Tuy nhiên, mọi việc diễn ra khá bất ngờ. Ông Romney tấn công dồn dập và gây ấn tượng mạnh với người xem truyền hình, còn ông Obama thì tỏ ra yếu ớt. Thăm dò dư luận ngay sau cuộc tranh luận này cho thấy, đa số người được hỏi đánh giá chiến thắng thuộc về ông Romney. Có thể nói, chiến thắng trong cuộc tranh luận đầu tiên đã đem lại nhiều hy vọng cho ông Romney khi nó dường như vẫn có tác động tích cực đến tâm lý cử tri tới 2 tuần sau đó (thể hiện qua các cuộc thăm dò của nhiều hãng truyền thông và hãng khảo sát dư luận).

Hai ứng viên cố giành lá phiếu cử tri đến phút chót (ảnh: telegraph)

16/10/2012: Cuộc khẩu chiến Obama-Romney thứ 2, diễn ra ở New York, về cả chủ đề đối nội và đối ngoại. Có lẽ do khá “choáng váng” trước lần so găng thứ 1, lần này ông Obama đã cố gắng giành thế chủ động ngay từ đầu, bình tĩnh “ăn miếng trả miếng” trước ông Romney. Cuộc đấu trí diễn ra căng thẳng với việc 2 bên liên tục đi lại và chỉ tay về phía nhau. Trên thực tế ông Obama đã khá thành công trong việc dồn ép đối thủ Romney. Điều tra dư luận cho thấy, chiến thắng thuộc về đương kim Tổng thống.

22/10/2012: Vòng đấu thứ 3 diễn ra giữa 2 ứng viên Tổng thống, ở Boca Raton, Florida, với chủ đề là chính sách đối ngoại. Có lẽ vẫn lo sợ về khả năng sẽ thất bại trong tranh cử nhiệm kỳ 2, ông Obama đã tiếp tục tấn công đối thủ mạnh mẽ ngay từ đầu, chủ động nói kháy đối thủ. Trong khi đó, ông Romney lại tỏ ra khá ôn hòa, cố gắng tránh đối đầu quá gay gắt. Thăm dò dư luận ngay sau trận tranh luận này cho thấy, chiến thắng lại nghiêng về Tổng thống Obama. Tuy nhiên, chiến thắng lần này của Barack Obama không rõ rệt như trước. Theo nhiều nhà quan sát, ông Romney đã chủ động nhũn nhặn để tạo hình ảnh thân thiện trong con mắt cử tri. Hơn nữa, về tầm quan trọng thì vòng này không bằng cuộc tranh biện thứ 1 (khi có nhiều khán giả truyền hình hơn hẳn và chủ đề tập trung vào các vấn đề thiết thân của cử tri như tình hình kinh tế, việc làm, y tế).

Cho đến nay, theo trang web Real Clear Politics chuyên tổng hợp các cuộc thăm dò khác nhau thì hai ứng viên Tổng thống Mỹ vẫn đang đeo bám nhau sít sao (riêng ông Obama nhỉnh hơn một chút).

Ngày 6/11/2012 (giờ Mỹ): Chính thức bầu cử trên toàn nước Mỹ

17/12/2012: Đại cử tri đoàn của Mỹ sẽ chính thức bầu ra Tổng thống và Phó Tổng thống nước này./.