Dựa vào tình hình kinh nghiệm của mỗi nước, đã có thêm những đánh giá và đề xuất mới nhất liên quan đến kế hoạch tiêm chủng cho trẻ ở nhóm độ tuổi này.

Liệu vaccine ngừa Covid-19 có thể làm giảm khả năng sinh sản của trẻ trong tương lai hay không? Đây là một trong những lo lắng của các bậc cha mẹ xung quanh việc cho trẻ em tiêm vaccine ngừa Covid-19. Giới chức y tế hàng đầu Mỹ vừa đưa ra những đánh giá mới nhất để xoa dịu lo ngại này với khẳng định, không có bằng chứng cho thấy vaccine ngừa Covid-19 ảnh hưởng đến khả năng sinh sản cũng như phát triển ở tuổi dậy thì của trẻ.

Tiến sĩ Kristin Moffit thuộc bệnh viện nhi Boston chia sẻ: “Vaccine ngừa Covid-19 tại Mỹ không có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của trẻ. Hiện cũng không có bất cứ số liệu nào chỉ ra rằng hàng triệu người đã được tiêm vaccine bị ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Không có lý do sinh học nào chứng minh cho giả thuyết này".

Mỹ là quốc gia mới nhất thông báo kế hoạch sẽ tiêm chủng cho khoảng 28 triệu trẻ em từ 5 đến 11 tuổi trong tuần này, sau khi nước này đã thực hiện chiến lược tiêm chủng vaccine cho trẻ từ 12 tuổi trở lên. Nhiều nước trên thế giới trong tuần qua cũng phê duyệt các loại vaccine ngừa Covid-19, chủ yếu là của Pfizer/BioNTech hay Sinovac của Trung Quốc trong kế hoạch tiêm chủng cho trẻ em.

Với kinh nghiệm triển khai sớm kế hoạch tiêm phòng cho trẻ từ 12 tuổi trở lên, giới chức y tế nhiều nước đang gợi ý tiêm một mũi vaccine phòng Covid-19 cho trẻ trên 12 tuổi. Theo đó giới chức y tế Anh, Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch đề xuất chỉ tiêm một liều vaccine phòng Covid-19 của hãng Pfizer/BioNTech cho trẻ em. Theo các chuyên gia, việc tiêm một liều vaccine của hãng Pfizer/BioNTech góp phần giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm vừa tránh được các tác dụng phụ tiềm ẩn của việc tiêm hai liều. Một trong những tác dụng phụ đáng lo ngại nhất là viêm cơ tim ở trẻ, đặc biệt là các bé trai. Tuy nhiên giới chuyên gia cũng nhận định, nguy cơ rất hiếm gặp, trong khi trẻ bị mắc Covid-19 còn có nguy cơ mắc vấn đề tim mạch cao hơn là tiêm phòng.

Tiến sĩ  Raj Narayan Giám đốc Liên minh y tế toàn cầu tại Anh nhận định: “Nguy cơ viêm cơ tim sau khi tiêm vaccine là rất, rất hiếm gặp. Như ở Mỹ số liệu cho thấy nguy cơ xảy ra chủ yếu là sau liều thứ 2. Tuy nhiên những trẻ bị mắc cũng sẽ hồi phục rất nhanh. Tôi cũng xin nhấn mạnh là tỷ lệ rất, rất hiếm gặp nên chúng ta cũng không nên quá lo lắng”.

Rõ ràng đối với các bậc cha mẹ, sẽ có nhiều cân nhắc trong việc có nên đưa con mình đi tiêm vaccine Covid-19 hay không. Tuy nhiên sự xuất hiện của biến thể Delta nguy hiểm, tác hại của chứng “Covid kéo dài” đối với nhóm trẻ em nhiễm virus hay những sang chấn tâm lý khi trẻ phải học trực tuyến quá lâu... cho thấy chiến lược bao phủ vaccine ở nhóm đối tượng này là cần thiết sau khi đánh giá giữa lợi ích và rủi ro./.