Ngày 28/10, nhóm người tiến hành biểu tình ngày 26/10 đã ra thông báo khẳng định, không liên quan đến vụ gây thương tích đối với 2 nghị sỹ đảng Cứu quốc đối lập Campuchia (CNRP), đồng thời kêu gọi các nhà chức trách truy tìm thủ phạm để đưa ra trước pháp luật. Trước đó, nhóm biểu tình đã đòi cách chức ông Kem Sokha, Phó Chủ tịch thứ nhất Quốc hội Campuchia.

Theo nội dung thông báo của nhóm biểu tình, ngày 26/10, cuộc biểu tình trước trụ sở Quốc hội yêu cầu cách chức ông Kem Sokha đã kết thúc lúc 10h30’. Tuy nhiên, đến 12 giờ trưa cùng ngày, xuất hiện một vài người không rõ danh tính đã tấn công vào 2 Nghị sỹ của đảng Cứu quốc gây thương tích khá nặng. Hiện 2 nghị sỹ này đang được đưa đi điều trị ở Thái Lan.

Cuộc biểu tình hôm 26/10 có sự tham gia của hàng nghìn người nhằm yêu cầu Chủ tịch Quốc hội Campuchia Heng Samrin và các nghị sỹ cách chức ngay lập tức ông Kem Sokha, Phó Chủ tịch thứ nhất Quốc hội, Phó Chủ tịch đảng Cứu quốc đối lập.
bieu_smlc_icma.jpg
Những người tham gia biểu tình tại Campuchia ngày 26/10.

Những người biểu tình cho rằng, ông Kem Sokha có những hoạt động tuyên truyền xúi giục, chia rẽ trong dân chúng, làm mất an ninh trật tự, gây sự thù hận dân tộc. Với những hành động như vậy, ông Kem Sokha không xứng đáng ngồi vào vị trí Phó Chủ tịch thứ nhất Quốc hội - cơ quan quyền lực tối cao của Campuchia.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Kem Sokha bị người dân biểu tình phản đối. Vào năm 2013, hàng nghìn người là nạn nhân của chế độ diệt chủng Khmer Đỏ cũng từng biểu tình phản đối ông Kem Sokha do ông này xuyên tạc sự thật lịch sử khi nói rằng nhà tù Tuol Sleng là do Việt Nam dựng lên./.