Hội nghị Nhóm các Bộ trưởng Tài chính Khu vực đồng euro đã diễn ra tại Brussels (Bỉ) cuối ngày hôm 8/7 để quyết định về việc giải ngân khoản tiền hơn 8 tỷ euro trong gói cứu trợ thứ hai cho Hy Lạp.

Với những cam kết mới nhất ngay trước thềm Hội nghị, theo đó Hy Lạp sẽ tăng gấp đôi nỗ lực cải cách để đổi lấy cứu trợ tài chính quốc tế, các Bộ trưởng khu vực đồng euro đều cho rằng Hy Lạp sẽ  được giải ngân ngay lập tức hoặc có thể là giải ngân từng phần.

Theo báo cáo của bộ ba các nhà tài trợ, gồm Liên minh châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, nguồn thu ngân sách Hy Lạp vẫn tiếp tục giảm do suy thoái, trong khi chính phủ nước này không kịp giảm chi tiêu để có thể đạt thâm hụt ở mức cần thiết.

bieu%20tinh%20chong%20that%20lung%20buoc%20bung.jpg
Người dân Hy Lạp trong 1 lần biểu tình phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng trước trụ sở Nghị viện nước này (ảnh: Getty Images)

Song cam kết mạnh mẽ của Hy Lạp đưa ra ngay trước Hội nghị, bao gồm việc sa thải 4.000 nhân viên tại các cơ quan nhà nước vào cuối năm nay và tái bố trí 25.000 công chức, có thể giúp nước này giành được “tin tưởng” của các Bộ trưởng Tài chính Khu vực đồng euro và cả giải ngân của khoản tiền 8,1 tỷ euro.

Chủ tịch Nhóm các bộ trưởng tài chính Eurozone, Bộ trưởng Tài chính Hà LanJeroen Dijsselbloem, đã đưa ra nhận định khi tới Brussels  hôm 8/7, cho rằng với tình hình Hy Lạp hiện nay, khoản cứu trợ có thể được giải ngân từng phần.

Ông Dijsselbloem nói: “Đầu tiên, chúng tôi sẽ nghe báo cáo tình hình Hy Lạp từ nhóm bộ 3 chủ nợ Troika. Tôi hiểu rằng, đã có một thỏa thuận cấp chuyên viên và theo đó Hy Lạp có thể sớm nhận được các khoản giải ngân từng phần và chúng tôi sẽ quyết định kích thước của những đợt giải ngân này. Khả năng này có thể xảy ra”

Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách các vấn đề kinh tế Olli Rehn cũng xác nhận, đây có thể là một lựa chọn của khu vực đồng tiền chung châu Âu trong giải quyết vấn đề Hy Lạp. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính các nước, như Luxembourg, Pháp, Đức đều tin rằng Hội nghị sẽ “chấp thuận” và cho Hy Lạp cơ hội chứng minh rằng nước này sẽ làm được như cam kết.

Theo Bộ trưởng Tài chính Pháp Pierre Moscovici, Hy Lạp có khả năng sẽ nhận được tiền vào cuối tháng này. Còn trong phát biểu hôm 8/7, trước khi bước vào Hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Đức Schaeuble thể hiện chút lo lắng với tình hình Hy Lạp, song ông nhận định rằng Hy Lạp đang đi đúng hướng để giải quyết khủng hoảng.

 “Vấn đề khó khăn tại Hy Lạp không phải là mới. Điều này đã tiếp diễn trong nhiều năm qua,” ông Schaeuble nói. “Hy Lạp đã đạt được những bước tiến đáng kể trong những tháng vừa qua. Tôi cho rằng Hy Lạp vẫn sẽ còn đối mặt với khó khăn nhưng con đường dẫn đến thành công đang chờ đợi nước này trong nhứng tháng tới”.

Trái với sự tin tưởng của Khu vực đồng euro, các chính sách thắt chặt chi tiêu và sa thải nhân viên của chính phủ Hy Lạp lại đang làm dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ của dân chúng trong nước.

Cùng ngày diễn ra Hội nghị Nhóm các Bộ trưởng Tài chính Khu vực đồng euro, hàng chục nghìn công chức Hy Lạp đã tiến hành đình công phản đối đợt cắt giảm việc làm mới do chính phủ tiến hành để đổi lấy khoản vay quốc tế. Tại thủ đô Athens, đám đông biểu tình ước tính từ 4.000 đến 6.000 người, trong đó có nhiều cảnh sát địa phương. Tổ chức công đoàn tại Hy Lạp cho rằng, với tỉ lệ thất nghiệp không có dấu hiệu sẽ sụt giảm, trong đó có tới 60% là thanh niên; các nguồn quỹ phúc lợi xã hội bị mạnh tay cắt giảm thì việc Chính phủ Hy Lạp "thắt lưng buộc bụng" hơn nữa sẽ làm gia tăng thất nghiệp và bần cùng hóa xã hội./.