Một số tín đồ thiên chúa giáo nói: “Từ chức chính trị là một điều gì đó rất bình thường song từ chức tín ngưỡng thì hơi kỳ lạ, trừ phi Giáo hoàng có vấn đề về sức khỏe. Tôi thực sự bị sốc khi biết tin này”.
Tuyên bố từ chức được Đức Giáo hoàng đưa ra bằng tiếng Latin trong buổi họp các Hồng y tại Tòa thánh Vatican. Giáo hoàng cho biết sức khỏe đã giảm sút nhiều trong vài tháng gần đây và nhận thấy không còn đủ khả năng để đảm đương công việc.
Giáo hoàng Benedict XVI (Ảnh: Fox News) |
Giáo hoàng Benedict XVI nói: “Sức mạnh tinh thần và sức mạnh thể chất đều rất cần thiết để có thể thực hiện một nhiệm vụ nào đó. Tuy nhiên, trong vài tháng qua, sức khỏe của tôi đã bắt đầu suy yếu đến độ tôi thấy rằng mình không còn đủ khả năng để điều hành công việc. Vì lý do này, cũng như nhận thức rõ sự nghiêm túc của quyết định của cá nhân tôi, tôi tuyên bố từ chức Giáo hoàng”.
Trước đó, Giáo hoàng cũng đã từng nói bóng gió trong cuốn sách năm 2010 rằng ông có thể từ nhiệm nếu cảm thấy không còn có thể thực thi được nhiệm vụ của mình nữa.
Giáo hoàng Benedict XVI, sinh ra tại Đức, năm nay 85 tuổi. Ông là người cao tuổi nhất khi nhậm chức Giáo hoàng. Ông cũng là vị Giáo hoàng đầu tiên từ nhiệm trong gần 600 năm qua. Lần gần đây nhất một Giáo hoàng tự nguyện từ nhiệm là vào năm 1294, đó là Giáo hoàng Celestine V.
Quyết định trên cũng đồng nghĩa với việc các Hồng y giáo chủ sẽ phải tiến hành một hội nghị để bầu một Giáo hoàng mới. Tòa thánh Vatican dự kiến sẽ tổ chức bầu Giáo hoàng mới vào trước Lễ Phục Sinh, có thể là trong 15-20 ngày tới.
Lãnh đạo nhiều nước trên thế giới cũng đã có phản ứng sau tuyên bố từ nhiệm của Giáo hoàng Benedict XVI.
Trong một tuyên bố, Thủ tướng Anh David Cameron đã đánh giá cao những đóng góp của Giáo hoàng Benedict XVI trong thời gian tại nhiệm, cho rằng Giáo hoàng Benedict XVI sẽ được hàng triệu người trên thế giới ghi nhớ như là một nhà lãnh tụ tinh thần.
Thủ tướng Anh cũng đặc biệt nhấn mạnh về chuyến thăm của Giáo hoàng Benedict XVI tới Anh năm 2010, coi đây là dấu mốc góp phần cải thiện quan hệ giữa nước Anh với Vatican.
Thủ tướng Anh nói: “Tôi chắc chắn rằng, toàn thể Quốc hội Anh sẽ cùng tôi gửi đi những lời chúc tốt đẹp nhất tới Giáo hoàng Benedict XVI sau khi ông tuyên bố từ nhiệm. Ông đã làm việc không mệt mỏi để tăng cường quan hệ giữa Anh với Vatican. Chuyến thăm vào năm 2010 của ông tới Anh là một minh chứng về sự tôn trọng và tình cảm của ông dành cho nước Anh. Tôi hy vọng là người kế nhiệm ông cũng sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên khắp thế giới”.
Còn Tổng thống Pháp Francois Hollande nói rằng: “Quyết định của Giáo hoàng Benedict XVI rất đáng được kính trọng. Nó là hiện thân của một quyết định can đảm và đặc biệt”.
Trong khi đó, người phát ngôn của Thủ tướng Đức Angela Merkel trong một tuyên bố ngày 11/2 đã nói rằng, Giáo hoàng Benedict XVI xứng đáng “được tôn kính” và “nhớ ơn” vì những gì Ngài đã làm trong gần 8 năm qua trên cương vị người đứng đầu nhà thờ Thiên Chúa giáo.
Người phát ngôn Thủ tướng Đức cũng cho biết Chính phủ Đức rất kính trọng Đức Thánh Cha, kính trọng những thành tựu của ông cũng như cả cuộc đời dâng hiến cho Giáo hội Công giáo./.