Các cuộc đàm phán giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là Anh, Mỹ, Pháp, Nga, Trung Quốc cùng với Đức) tại Geneva ( Thụy Sĩ) kéo dài thêm 1 ngày so với kế hoạch nhằm thu hẹp những bất đồng. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng quyết định đến tham dự cuộc họp trong ngày hôm nay, cho thấy khả năng hai bên đang tiến gần hơn đến một thỏa thuận.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, quyết định được đưa ra sau khi tham vấn với đại diện Liên minh châu Âu phụ trách chính sách an ninh đối ngoại Catherine Ashton. Ông Kerry quyết định đến Giơ-ne-vơ khi có nhiều bước tiến giúp hai bên có thể tiến tới một thỏa thuận. Ngoại trưởng Nga Lavrov tối qua cũng đến Thụy Sĩ và có cuộc gặp với Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif. Dự kiến Ngoại trưởng các nước Đức, Anh, Pháp cũng tham dự cuộc họp  trong hôm nay.

nha%20may%20nuoc%20nang%20arak.jpg
Nhà máy nước nặng tai Arak (Iran) là 1 vấn đề giải quyết (ảnh: AP)

Mặc dù vậy, không để dư luận quá kì vọng, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nhấn mạnh, quyết định của ông Kerry tham dự vòng đàm phán không thể dự đoán trước được bất cứ điều gì. Mục tiêu của ông Kerry là tiếp tục thu hẹp những bất đồng và giúp hai bên tiến gần hơn đến thỏa thuận.

Ngoại trưởng Pháp Fabius cũng bày tỏ hi vọng một thỏa thuận có thể đạt được, đồng thời hối thúc nhóm P5+1 giữ vững 4 điều kiện đã đưa ra đối với Iran như  đặt các cơ sở hạt nhân của Iran dưới sự giảm sát quốc tế, dừng các hoạt động làm giàu uranium 20%, giảm các kho uranium đã được làm giàu, dừng xây dựng cơ sở hạt nhân nước nặng Arak.

Ông Fabius nói:  “Các bạn đều biết quan điểm và lập trường của nhóm P5+1. Lập trường của chúng tôi không thay đổi. Tuy nhiên chúng tôi cũng mong muốn tìm ra một giải pháp và tôi quyết tâm thực hiện điều này”.

Hiện nhóm P5+1 muốn Iran ngừng một số phần trong chương trình hạt nhân của mình nếu muốn các biện pháp cấm vận được hạ nhiệt, cho rằng việc đạt được thỏa thuận "giai đoạn đầu" sẽ làm giảm căng thẳng, cũng như để Iran và nhóm P5+1 có thêm thời gian tìm ra thỏa thuận cuối cùng chấm dứt nỗi lo ngại của cộng đồng quốc tế về khả năng chế tạo bom nguyên tử của quốc gia Hồi giáo này.

Tuy nhiên, Iran coi quyền phát triển hạt nhân là vấn đề chủ quyền quốc gia và rất quan trọng cho bất cứ thỏa thuận nào. Kết thúc cuộc họp vào đêm qua, các nhà ngoại giao cho biết, các bên đang sử dụng  một ngôn ngữ thỏa hiệp mới trong các cuộc đàm phán. Khi đó nếu nước nào tuyên bố về quyền đối với một chương trình hạt nhân hòa bình thì cần phải làm sáng tỏ./.