Theo số liệu của của cổng thông tin về Covid-19 của Indonesia, tính đến thời điểm này, tỉ lệ tử vong do Covid-19 của Indonesia là 10%, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Trong số các bệnh nhân tử vong do Covid-19, nhiều người trong số đó đã không nhận được sự chữa trị kịp thời, thậm chí còn bị các bệnh viện từ chối chữa trị. Nguyên nhân chính là do các bệnh viện chỉ định về Covid-19 tại Indonesia đã quá tải.
Bệnh viện Hữu nghị là nơi tiếp nhận nhiều bệnh nhân Covid-19 tại Jakarta, Indonesia. |
Tuần trước, một phóng viên Indonesia đã tử vong sau khi bị 2 bệnh viện chỉ định về Covid-19 tại Jakarta từ chối. Trả lời phỏng vấn báo chí Indonesia, vợ phóng viên này cho biết, ban đầu, người này có triệu chứng ho, cảm và khó thở. Sau đó, họ đến thăm khám tại một bệnh viện gần nhà. Sau khi được xét nghiệm và chuẩn đoán dương tính với virus SARS-CoV-2, bệnh nhân này được giới thiệu tới hai bệnh viện chỉ định về Covid-19 của chính phủ tại thủ đô Jakarta, đó là Bệnh viện Quân đội Gatot Subroto và Bệnh viện Truyền nhiễm Sulianti Saroso (RSPI). Cả hai bệnh viện được giới thiệu đều từ chối nhận bệnh nhân này với lí do bệnh viện đã hết giường bệnh. Cuối cùng, bệnh nhân phải quay lại bệnh viện địa phương trong tình trạng sức khoẻ yếu và đã tử vong ngay sau đó 5 tiếng.
Đây không phải là trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 duy nhất tử vong do bị bệnh viện từ chối. Trước đó, có rất nhiều bệnh nhân ở trong trường hợp tương tự. Thậm chí đã có những bệnh nhân ở Jakarta chết trong xe cứu thương sau khi bị ba bệnh viện từ chối.
Tại sao bệnh viện từ chối bệnh nhân?
Ông Faisal Yunus, một bác sĩ chuyên khoa phổi bệnh viện Hữu nghị (Persahabatan), một trong 13 bệnh viện chỉ định về Covid-19 tại Jakarta cho biết, tình trạng này xảy ra do phòng cách ly bị hạn chế, bệnh viện thiếu dụng cụ thở, thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) và thiếu lực lượng nhân viên y tế. Tại bệnh viện Hữu nghị được chỉ định chữa trị Covid-19 có 800 bệnh nhân đang xếp hàng.
Trong khi sức chứa của bệnh viện chỉ có 40 người và khoảng 20 phòng cấp cứu. Theo bác sĩ Faisal, Covid-19 không giống các căn bệnh khác, có thể điều trị trong một không gian mở, chẳng hạn như cả hàng lang bệnh viện hoặc có thể nằm chung giường bệnh, bệnh nhân Covid-19 cần phải được cách ly riêng. Do vậy, cơ sở vật chất của bệnh viện không thể đáp ứng số lượng bệnh nhân ngày một tăng.
Tiến sĩ Oetama Marsis, Hiệp hội Y khoa Indonesia cho rằng, những trở ngại mà bệnh viện chỉ định gặp phải là thiếu đồ bảo hộ y tế, trong khi phải tiếp nhận số lượng bệnh nhân ngày một tăng. Theo ông, ngay từ ban đầu, Bộ Y tế Indonesia đã rất chậm trễ và không cảnh giác với đại dịch toàn cầu. Cho dù hiện nay, chính phủ Indonesia đã bắt đầu đi đúng hướng nhưng dường như vẫn chưa sẵn sàng đối mặt với sự bùng phát của dịch Covid-19.
Tiến sĩ Oetama Marsis nhấn mạnh, chính phủ vẫn phải ra lệnh cho tất cả các bệnh viện trên toàn Indonesia, nơi có sẵn các phòng chăm sóc tích cực (ICU), máy thở và phòng cách ly tham gia vào cuộc chiến chống Covid-19; lập tức trang bị thiết bị bảo hộ y tế và gấp rút tuyển dụng đội ngũ nhân viên y tế.
Chính phủ Indonesia nói gì?
Người phát ngôn của chính phủ Indonesia chuyên biệt về Covid-19, ông Achmad Yurianto, cho biết, các bệnh viện không thể nhận bệnh nhân Covid-19 nếu như không có đủ giường bệnh, do vậy, người bệnh có thể tìm đến các bệnh viện chỉ định khác về Covid-19. Hiện tại trên toàn Indonesia có 132 bệnh viện do chính phủ chỉ định về Covid-19 với 1.967 phòng để điều trị bệnh có mức độ từ trung bình đến nặng. Bên cạnh đó, Indonesia cũng đã xây dựng bệnh viện tại Cung vận động viên (Wisma Atlet) ở thủ đô Jakarta với sức chứa 3.000 người và đang chữa trị cho hơn 400 bệnh nhân Covid-19 tại đây. Đây là một trong những nỗ lực của chính phủ Indonesia để giải quyết các ca mắc Covid-19 đang ngày một gia tăng.
Phát ngôn viên Achmad Yurianto cũng khuyến khích các trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 nhưng có các triệu chứng nhẹ không cần tới các bệnh viện chỉ định về Covid-19 mà có thể tới bệnh viện tại Cung vận động viên để được cách ly, nhằm giảm tải cho các bệnh viện chỉ định về Covid-19.
Ông Achmad Yurianto cũng khẳng định, hiện nay có nhiều bệnh viện tư nhân tại Indonesia đã tham gia xử lý Covid-19 tuy nhiên cần lựa chọn bệnh nhân để việc chữa trị có hiệu quả. Hiện nay, Indonesia ghi nhận 1.986 ca mắc Covid-19, chỉ 134 người phục hồi (tỉ lệ 6%) và 181 người đã tử vong./.