Trong một cuộc họp báo tại Jakarta, Thư ký Hội đồng Hồi giáo của Indonesia (MUI), ông Zainut Tauhid Sa'adi nhấn mạnh, trước sự bùng phát của dịch Covid-19, các tín đồ Hồi giáo nên cầu nguyện tại nhà là chính. Trước đó, Hội đồng Hồi giáo Indonesia đã ban hành sắc lệnh tôn giáo (Fatwa) số 14 năm 2020 về việc cầu nguyện trong bối cảnh dịch Covid-19.
Nhà thờ Hồi giáo tại Jakarta thông báo không tổ chức cầu nguyện thứ Sáu. Ảnh: Okezone |
Theo đó, có ba điều tín đồ Hồi giáo cần tuân theo. Thứ nhất là những người sống ở khu vực có mức độ lây lan Covid-19 vẫn còn ở trong tầm kiểm soát thì vẫn là thực hiện cầu nguyện thứ Sáu tại Nhà thờ.
Thứ hai, nếu khu vực sinh sống của tín đồ Hồi giáo trở nên mất kiểm soát với Covid-19 và đe doạ tới tính mạng con người thì những người không thể cầu nguyện thứ Sáu có thể được thay thế bằng lời cầu nguyện Dzuhur (cầu nguyện khi mặt trời nghiêng về phía tây, thường là lúc 12 giờ).
Thứ ba, nếu khu vực có nguy cơ rất cao lây lan Covid-19 theo ban bố của chính quyền địa phương thì bắt buộc tất cả các nhà thờ không tổ chức cầu nguyện Thứ Sáu mà phải thay thế bằng cầu nguyện Dzuhur.
Theo quy định Cầu nguyện Thứ Sáu tại nhà thờ là một nghĩa vụ bắt buộc đối với người Hồi giáo, đặc biệt là nam giới. Theo lời răn dạy của đạo này, những người không tham gia cầu nguyện thứ Sáu trên 3 lần sẽ bị coi là mang tội.
Tuy nhiên, Thư ký Hội đồng Hồi giáo Indonesia cho biết, sự trừng phạt sẽ không xảy ra với những trường hợp đau ốm, bệnh tật hoặc đang trong mối đe doạ đến sự an toàn của linh hồn, ví dụ như bùng phát dịch Covid-19.
Hiện nay, thủ đô Jakarta đã được chấp thuận thực hiện điều khoản cao nhất của Fatwa, tức là tín đồ Hồi giáo không cần tới nhà thờ cầu nguyện thứ Sáu bởi đây là địa phương có sự lây lan dịch Covid-19 cao nhất tên toàn Indonesia. Rất nhiều nhà thờ Hồi giáo tại Indonesia đã thông báo không tổ chức cầu nguyện tập trung thứ Sáu.
Tính đến thời điểm hiện tại, thủ đô Jakarta có 985 ca mắc Covid-19, trong đó có 96 người tử vong. Tỉ lệ tử vong của thủ đô này là 10%, cao hơn nhiều so với mức trung bình thế giới 4% do Tổ chức y tế thế giới (WHO) đưa ra./.