Hãng tinAFPngày 30/6 dẫn lời Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, Chính quyền nước này sẽ kiên quyết đẩy mạnh kế hoạch điều chỉnh Hiến pháp, nới lỏng các hạn chế đối với quân đội bất chấp sự phản đối của một bộ phận người dân Nhật Bản.

suga_tcdz.jpg 

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga (Ảnh: Tân Hoa xã)

Trước đó, vụ tự thiêu của một người đàn ông ngay trung tâm thủ đô Tokyo để phản đối kế hoạch thay đổi Hiến pháp của chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe đã khiến dư luận Nhật Bản cũng như quốc tế phải chú ý bởi các sự việc tương tự không thường xuyên diễn ra ở đất nước này.

Tuy nhiên, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản từ chối đưa ra bình luận về vụ tự thiêu và cho rằng đây là vấn đề của cảnh sát, đồng thời khẳng định Nhật Bản sẽ đẩy mạnh việc thông qua điều chỉnh bản Hiến pháp hòa bình cho phép nước này có thể thực hiện quyền phòng thủ tập thể.

Ông Suga nói: “Chúng tôi đang ở giai đoạn cuối trong việc thống nhất quan điểm giữa các đảng phái. Một khi đã đạt được sự đồng thuận, chúng tôi sẽ trình kế hoạch để Nội các thông qua vào ngày mai (1/7)”.

Kể từ sau Thế chiến II,  Hiến pháp Nhật Bản, hay còn gọi là Hiến pháp hòa bình năm 1947, cấm sử dụng quân đội phát động chiến tranh tấn công các quốc gia khác để giải quyết xung đột và chỉ được sử dụng lực lượng vũ trang để tự vệ. Tuy nhiên, đảng cầm quyền của Thủ tướng Abe đã chuẩn bị những thay đổi mang tính bước ngoặt nhằm loại bỏ lệnh cấm kể trên.

Giải thích về kế hoạch điều chỉnh lại Hiến pháp, Thủ tướng Abe cho hay, chính những căng thẳng trong khu vực (bao gồm cả lập trường ngày càng quyết đoán của Trung Quốc trong tranh chấp lãnh thổ cũng như một Triều Tiên thất thường) khiến Nhật Bản cần phải được chuẩn bị tốt hơn để bảo vệ chính mình.

Kế hoạch giải thích lại Hiến pháp của Chính quyền ông Abe nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Mỹ - đồng minh thân cận nhất của Tokyo nhưng lại gây nhiều tranh cãi ở trong nước. Một cuộc khảo sát từ ngày 27-29/6 do tờ Nikkei thực hiện cho thấy, chỉ có 34 % người tham gia bỏ phiếu tán thành việc giải thích lại Hiến pháp trong khi có tới 50 % số người được hỏi phản đối việc làm này.

Như để khẳng định sự cần thiết phải thay đổi, ông Suga nói: “Chính phủ cần phải bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân cũng như sự an toàn của đất nước… và nếu có một khiếm khuyết nào đó trong hệ thống luật pháp hiện hành, chúng tôi cần phải khắc phục điều đó”.

Theo giới phân tích, động thái giải thích lại bản Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản có khả năng sẽ làm cho chính quyền Trung Quốc nổi giận, khi hai nước đang mắc kẹt trong cuộc tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Hoa Đông./.