Trong hai ngày 21-22/6, Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se đã tiến hành thăm Nhật Bản. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Ngoại trưởng Hàn Quốc tới Nhật Bản trong vòng 4 năm qua, được coi là chuyến thăm đáp ứng được những mong mỏi của lãnh đạo hai nước.
Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se tại cuộc họp báo trước thềm chuyến thăm Nhật Bản (Ảnh AP) |
Nhượng bộ đẻ giảm sóng gió
Tại cuộc hội đàm diễn ra tại Thủ đô Tokyo Nhật Bản, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida và Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se đã thống nhất được việc sẽ tăng cường hợp tác, cụ thể sẽ tiến hành thăm viếng lẫn nhau cấp Ngoại trưởng và thực hiện các cuộc hội đàm bên lề các Hội nghị quốc tế, Ngoại trưởng Nhật Bản Kishida sẽ thăm Hàn Quốc và Bộ Ngoại giao Nhật Bản sẽ điều chỉnh lịch thăm này trong năm 2015, đồng thời hy vọng sẽ có những nhận thức cởi mở hơn trong vấn đề nô lệ tình dục hồi Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Liên quan tới việc Nhật Bản đăng ký xin công nhận di sản văn hóa thế giới đối với quần thể 23 di tích cuộc cách mạng công nghiệp Minh Trị (hay còn gọi là Cải cách Minh Trị 1886-1889), phía Hàn Quốc cũng đã nhất trí sẽ bảo lãnh cho Nhật Bản về vấn đề này.
Trước đó, với tư cách là nước ủy viên Ủy ban di sản thế giới, Hàn Quốc phản đối vì cho rằng Nhật Bản đã cưỡng chế lao động của họ làm việc tại Nhật vào thời kỳ này.
Và một thỏa thuận quan trọng nữa là hai bên sẽ tích cực sắp xếp sớm một cuộc gặp thượng đỉnh giữa Thủ tướng Abe và Tổng thống Park Geun- hye; một cuộc gặp thượng đỉnh vốn trong nhiều năm qua đã bị đình trệ bởi quá nhiều vấn đề tồn tại giữa hai nước.`
Với những thỏa thuận nằm ngoài mong đợi, dư luận Nhật Bản về chuyến thăm lần có những đánh giá tích cực và lạc quan về triển vọng quan hệ hai nước.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho rằng, đây là bước tiến mới quan trọng trong lịch sử quan hệ giữa hai nước.
Và theo phát ngôn của một quan chức Chính phủ Nhật Bản, những thỏa thuận đã đạt được giữa hai Ngoại trưởng có thể sẽ mở ra cơ hội sớm cho một cuộc gặp thượng đỉnh giữa Nhật Bản-Hàn Quốc trong thời gian tới. Và cuộc gặp thượng đỉnh sẽ là cơ hội hàn gắn những vết rạn lớn đang tồn tại trong quan hệ hai nước.
Chủ tịch Liên đoàn kinh tế Nhật Bản Keidanren đã phát biểu với báo chí rằng việc hai Ngoại trưởng đã thống nhất được vấn đề Nhật Bản đăng ký xin công nhận di sản văn hóa thế giới đối với quần thể 23 di tích cuộc cách mạng công nghiệp Minh Trị, đồng thời nhất trí sẽ tái mở sớm hội đàm nguyên thủ hai nước cho thấy ý chí mạnh mẽ của chính phủ hai nước trong việc trong việc cải thiện quan hệ không chỉ ở lĩnh cực chính trị mà cả ở lĩnh vực kinh tế, văn hóa. Đây thực sự là một bước tiến lớn.
Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn tỏ ra nghi ngờ đối với tương lai của mối quan hệ đầy sóng gió này.
Dân chúng vẫn thiếu tin tưởng vào quan hệ Nhật- Hàn
Một cuộc thăm dò được công bố hồi đầu tháng 6 cho thấy, hơn một nửa số người được hỏi ở cả hai nước cho biết hình ảnh về nước láng giềng trở nên tồi tệ hơn trong 5 năm qua.
Thậm chí, cứ 10 người dân Hàn Quốc thì có 4 người tin rằng giữa hai nước sẽ xảy ra một cuộc chiến tranh trong một vài năm tới. Giới quan sát cho rằng, mối quan hệ Nhật – Hàn đang ở mức quá thấp, lòng tin giữa hai quốc gia láng giềng này đã không còn và khó có thể khôi phục ngay trở lại.
Ngoại trưởng Hàn Quốc (trái) và người đồng cấp Nhật Bản Kishida (Ảnh Reuters) |
Cũng theo kết quả cuộc điều tra, có tới 44,8% người dân Hàn Quốc cho rằng quan hệ giữa Hàn Quốc và Trung Quốc là quan trọng hơn, chỉ có 5% ý kiến cho rằng cần phải cải thiện quan hệ với Nhật Bản. Nhìn vào con số đó, có thể nói đây là một điều đáng lo ngại về tương lai quan hệ hai nước.
Tuy nhiên, cũng không nên quá bi quan về những con số trong cuộc điều tra. Bởi lẽ đã đến lúc chính quyền hai nước cũng cởi mở hơn về những vấn đề đang tồn tại, nhận thức rằng cũng sẽ chẳng đến đâu nếu như vẫn “cố chấp”. Hơn thế nữa trong cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Nhật Bản và Hàn Quốc vừa qua, hai bên đã thống nhất được nhiều vấn đề, dần dần tháo nút thắt cho quan hệ hai nước.
Hơn thế nữa, chiều ngày 22/6, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun- hye trong buổi tham dự Lễ kỷ niệm 50 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao hai nước đã kêu gọi những nỗ lực chung hướng vào việc cải thiện quan hệ.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong bài phát biểu của mình đã nhấn mạnh: “Chúng ta (Nhật Bản và Hàn Quốc) có chung lợi ích mang tính chiến lược. Nếu nhìn tổng thể tình hình khu vực Đông Bắc Á, việc tăng cường hợp tác song phương Nhật Bản và Hàn Quốc và giữa ba nước Nhật-Hàn-Mỹ sẽ đóng góp vào hòa bình ổn định của hai nước và khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Do vậy, Tôi tin rằng việc hai nước hợp tác trong các vấn đề của khu vực và thế giới sẽ là sự kết nối để tạo nên sự khởi đầu của một tương lai mới”.
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun- hye trong buổi lễ tương tự tại Seoul cũng đã khẳng định: “Hai nước Nhật Bản và Hàn Quốc đã lấy thời điểm kỷ niệm 50 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao hai nước làm điểm chuyển giao để cùng nhau hướng tới sự hợp tác mới và tương lai sáng sủa hơn”.
Đồng thời khi đề cập những vấn đề lịch sử còn tồn tại, Bà Park cho rằng việc cởi bỏ những trói buộc nặng nề của lịch sử và quá khứ bằng hòa giải và hợp tác là vô cùng quan trọng.
Với thay đổi về quan điểm trên của chính quyền hai nước, giới phân tích cho rằng trong thời gian tới quan hệ hai nước sẽ ấm dần lên.
Tác động của cán cân quyền lực Đông Á tới quan hệ Nhật-Hàn
Sự thay đổi trong quan hệ hai nước Nhật Bản-Hàn Quốc cũng sẽ không thể nằm ngoài cơ cấu chính trị chung của khu vực và thế giới.
Nước sẽ gây ảnh hưởng cụ thể tới mối quan hệ này là Trung Quốc và Mỹ. Tuy Mỹ không ở khu vực Đông Á, nhưng đang thực hiện chính sách “xoay trục” sang Châu Á, coi Châu Á là mục tiêu hướng tới trong tương lai, đặc biệt có sự liên kết chặt chẽ với nước đồng minh Nhật Bản.
Ngoại trưởng Hàn Quốc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (Ảnh AP) |
Mỹ cũng đã bày tỏ ý muốn rằng Nhật Bản và Hàn Quốc cần phải “giảng hòa” vì lợi ích chung của nhân dân hai nước. Trong khi đó, Trung Quốc đang nổi lên như một cường quốc về kinh tế nhưng lại có nhiều hành vi khiến cho nhiều nước không thể không cảnh giác.
Tuy Trung Quốc, Hàn Quốc vẫn đang tranh chấp với Nhật Bản về vấn đề lãnh thổ, nhưng chính Trung Quốc là yếu tố khiến Nhật-Hàn mong muốn xích lại gần nhau hơn.
Theo phân tích của ông Komatsu Hiroshi-Trưởng Ban xã luận của báo Asahi, thời gian tới sức ảnh hưởng của Mỹ đối với khu vực Châu Á sẽ giảm và Trung Quốc là nước sẽ kiềm chế sự ảnh hưởng của Mỹ. Và chắc chắn một điều rằng nhận thức của Nhật-Hàn sẽ phải thay đổi theo.
Một phương án tối ưu đã được đưa ra là mối quan hệ tay ba Nhật-Hàn-Mỹ sẽ khiến Trung Quốc phải “nhìn trước ngó sau” khi thực hiện những hành động nằm ngoài phạm vi quốc nội.
Hàn Quốc tuy có nhiều quan điểm chung với Trung Quốc, đặc biệt là vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, nhưng cũng không thể không tính con đường đi tiếp theo cho mình.
Hơn thế nữa đã đến lúc Nhật Bản và Hàn Quốc nhận thức rằng (như bài phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun- hye tại lễ kỷ niệm 50 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao hai nước) không thể trói buộc nhau bởi những ràng buộc không đáng có từ trong quá khứ, phải cởi bỏ nó vì lợi ích của người dân mỗi nước, và lợi ích của nhân dân mới là điều tối quan trọng./.