Các nhà khoa học Nhật Bản và Thái Lan vừa bắt tay vào thiết lập một dự án nghiên cứu chung về vấn đề ô nhiễm đại dương do rác thải nhựa, trong bối cảnh ước tính khoảng 30% các mảnh nhựa thu gom được từ các đại dương trên thế giới được cho là xuất phát từ khu vực Đông Nam Á.

rac_thai_nhua_dai_duong_vhin.jpg
Rác thải nhựa ở đại dương. Ảnh: gCaptain.

Nhóm nghiên cứu hôm 6/10 đã đến thị sát tại một hòn đảo ngoài khơi phía Đông Thái Lan, nơi họ sẽ thiết lập căn cứ cho dự án kéo dài 5 năm.

Các thành viên nhóm nghiên cứu sẽ sử dụng máy bay không người lái để tiến hành phân tích lượng nhựa và cách chúng bị xả thải ra môi trường đại dương. Họ cũng sẽ tiến hành điều tra tác động của hạt nhựa vi mô đến môi trường, dự báo mức độ ô nhiễm trong tương lai, lập kế hoạch hành động và sau cùng là tư vấn cho chính phủ Thái Lan về giải pháp giảm tình trạng ô nhiễm do rác thải nhựa.

Giáo sư Atsuhiko Isobe của trường đại học Đại học Kyushu, người đứng đầu nhóm các nhà nghiên cứu Nhật Bản cho biết, Nhật Bản đang là một trong những quốc gia đi đầu trong lĩnh nghiên cứu về xử lý vấn đề rác thải nhựa đại dương và ông muốn chia sẻ kinh nghiệm này với các nhà khoa học Thái Lan.

Ông Isobe cũng lưu ý rằng vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa đại dương tại Đông Nam Á đang xếp ở mức tồi tệ thứ hai trên thế giới chỉ sau Trung Quốc và cần có biện pháp khẩn cấp để giải quyết vấn đề cấp bách này./.