Trong một động thái cứng rắn nhằm đối phó với vấn đề ô nhiễm môi trường, chính phủ Indonesia vừa tuyên bố sẽ gửi trả Australia 100 container rác thải nhựa ô nhiễm, đồng thời khẳng định nước này không phải là bãi rác thế giới.

container_rac_thai_nhua_pzeu.jpg
Container rác thải nhựa. Ảnh: ABC.

Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia ngày hôm qua (18/9) tuyên bố, trong vài tuần tới, nước này sẽ gửi trả hơn 200 container rác thải không thuộc loại có thể tái chế về Mỹ, Australia, New Zealand... Trong ngày hôm nay (19/9), 9 container rác thải của Australia sẽ rời Indonesia đến cảng Sydney và một số container khác sẽ được trả lại Australia trong vài tháng tới. Số rác thải này được chuyển từ Australia sang Indonesia từ đầu tháng 8 vừa qua và bị phát hiện có chứa nhựa ô nhiễm, rác thải sinh hoạt và nhiều chất thải độc hại. Lô hàng rác thải này được chuyển đến Indonesia chỉ vài ngày trước khi Australia ban hành lệnh cấm xuất khẩu rác thải nhựa, giấy, thủy tinh và lốp xe.

Các quan chức hải quan và môi trường Indonesia hôm qua xác nhận, chất thải ô nhiễm vẫn thường xuyên được chuyển bất hợp pháp đến nước này. Ông Ahmad Gunawan, quan chức cấp cao của Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia cho biết, nước này không muốn trở thành bãi rác thế giới và sẽ quyết tâm thực hiện các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt đối với rác tái chế nhập khẩu.

Trong những tháng gần đây, Indonesia đã tái xuất hơn 330 container phế liệu về nơi xuất xứ, trong đó 9 container được trả về Australia vào tháng 8 vừa qua. Indonesia hiện là nước nhập khẩu phế liệu lớn nhất của Australia trong năm nay sau khi Trung Quốc ngừng nhập khẩu rác thải nước ngoài từ đầu năm 2018 để giải quyết vấn đề ô nhiễm nước và không khí.

Indonesia hiện nhập khẩu hàng nghìn tấn phế liệu nhựa mỗi năm cho ngành tái chế vì không đủ năng lực thu gom ở trong nước. Tuy nhiên, chính quyền Indonesia đang thắt chặt kiểm soát phế liệu nhập khẩu sau nhiều đợt kiểm tra cho thấy có hơn 30% phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài là rác thải sinh hoạt.    

Mỗi năm hiện có gần 300 triệu tấn nhựa được sản xuất trên thế giới, nhưng chưa đến 10% trong số đó được tái chế sau khi sử dụng. Phần còn lại được chôn lấp tại các bãi rác hoặc đốt cháy và giải phóng khí độc ra môi trường./.