Các nhà khoa học Đức và Thụy Sỹ vừa công bố một nghiên cứu cho thấy, các hạt vi nhựa bị gió thổi đi và rơi xuống mặt đất khi có tuyết rơi, đặt ra nguy cơ ô nhiễm cho hệ sinh thái mặt nước, thậm chí cả khu vực vùng nước xa nhất trên hành tinh.

bac_cuc_wfwn.jpg
Vùng Bắc cực. Ảnh: Washington Post.

Nghiên cứu đi vào phân tích các mẫu tuyết được tìm thấy tại Đức, dãy núi Alps, Thụy Sỹ và quần đảo Svalbard thuộc khu vực Bắc cực, Na Uy cho thấy, tuyết ở các địa điểm này đều chứa hàm lượng hạt nhựa cao, còn gọi là các hạt vi nhựa. Trong đó mẫu vật chứa hàm lượng nhựa cao nhất được phát hiện tại khu vực vùng sâu, vùng xa ở tỉnh Bavaria, miền Nam nước Đức, với hàm lượng lên đến 154.000 hạt/lít, nhiều hơn hẳn so với mẫu vật được tìm thấy tại khu vực Bắc cực, với trên 14.000 hạt/lít.

Đa phần các mẫu hạt này đều chứa các thành phần như cao su nitrile, acrylates- CH2 và sơn chứa nhựa.

Đây không phải là nghiên cứu đầu tiên về các chất ô nhiễm, trong đó có hạt vi nhựa được tìm thấy trong các khu vực mặt nước trên thế giới. Trước đó, nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ cũng đã phát hiện các chất liệu được tìm thấy trong băng được lấy ở Lancaster Sound – một vùng nước bị cô lập ở khu vực Bắc cực Canada. 18 lõi băng có chiều dài trên 2m được lấy từ 4 địa điểm khác nhau đều chứa hạt nhựa có thể nhìn thấy bằng mắt thường và sợi nhựa có hình dạng và kích cỡ khác nhau.

Việc phát hiện những mảnh nhựa cho thấy vấn đề ô nhiễm rác thải trên thế giới đã đạt đến mức thảm họa. Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, cho đến nay có 100 triệu tấn nhựa đang nằm dưới đáy đại dương./.