Triều Tiên trên “bàn cờ” Mỹ - Trung
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang khiến Bắc Kinh ngần ngại hợp tác với Washington trong việc gây sức ép buộc Bình Nhưỡng phải từ bỏ các chương trình hạt nhân, các nhà quan sát ngoại giao nhận định.
Diễu binh mừng 70 năm Quốc khánh Triều Tiên tại Bình Nhưỡng ngày 9/9/2018. Ảnh: Reuters |
Với việc Mỹ áp thuế bổ sung lên hàng hóa Trung Quốc ngày 17/9, Bắc Kinh có thể sẽ sử dụng vấn đề phi hạt nhân hóa như một quân bài "mặc cả" trong cuộc chiến thương mại với Washington, dù trước đó Trung Quốc khẳng định rằng hai vấn đề này là hoàn toàn riêng biệt.
Tuy nhiên, Harry Kazianis, giám đốc nghiên cứu về quốc phòng tại Trung tâm Lợi ích Quốc gia ở Washington cho rằng hai vấn đề này có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.
"Khi ông Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ, mục tiêu của ông ấy là cạnh tranh với Trung Quốc... nhưng vì Triều Tiên bắt đầu thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và nâng cấp các loại vũ khí hạt nhân (nhằm nhắm vào Mỹ) nên ông Trump cần sự giúp sức của Trung Quốc trong vấn đề phi hạt nhân hóa ở Triều Tiên", ông Kazianis nhận định.
Ngày 17/9, Tổng thống Donald Trump đã thông báo áp thuế bổ sung lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc khi vào thị trường Mỹ, mở rộng quy mô của cuộc chiến tranh thương mại. Đáp lại, Bắc Kinh cũng tuyên bố sẽ tiếp tục đáp trả tương xứng.
Các quan chức Trung Quốc trước đó đã khẳng định rằng xung đột thương mại không liên quan đến các vấn đề trên Bán đảo Triều Tiên và Bắc Kinh sẽ tiếp tục nỗ lực cho tiến trình phi hạt nhân hóa ở đây.
Bắc Kinh cho rằng việc áp đặt các lệnh trừng phạt sẽ không giúp gì cho Bình Nhưỡng mà thay vào đó nên khuyến khích các cuộc đàm phán kinh tế với Triều Tiên. Dù vậy, Tổng thống Trump từng cáo buộc Trung Quốc cản trở giải quyết vấn đề Triều Tiên.
Chuyên gia Kazianis nhận định rằng Trung Quốc có thể sẽ sử dụng vấn đề phi hạt nhân hóa như một quân bài “mặc cả” với Mỹ và quốc gia này cũng có khả năng và tầm ảnh hưởng để làm chậm tiến trình này.
"Động cơ gì khiến Bắc Kinh phải giúp giải quyết vấn đề Triều Tiên? Bây giờ thì không có gì cả", ông khẳng định.
"Triều Tiên đang trở thành nơi các cường quốc trên thế giới cạnh tranh ảnh hưởng lẫn nhau", chuyên gia này cho biết thêm.
Vai trò của Hàn Quốc
Boo Seung-chan, một nhà nghiên cứu tại Học viện Yonsei nghiên cứu về Triều Tiên tại Seoul cho rằng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình phi hạt nhân hóa.
"Dưới góc nhìn của các nhà hiện thực truyền thống, mối quan hệ liên Triều là một "biến số phụ thuộc" vào quan hệ Mỹ - Trung. Khi Trung Quốc cũng trở thành một nhân tố quan trọng trong vấn đề phi hạt nhân hóa, Bắc Kinh có thể sẽ sử dụng quân bài Triều Tiên trong việc cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ", ông Boo phân tích.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng nhận định rằng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đang nỗ lực để đối phó với những rủi ro từ tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bằng cách cải thiện mối quan hệ với Triều Tiên.
"Khi Seoul đang đóng vai trò như một chủ thể tích cực trong vấn đề Triều Tiên, tác động của việc cạnh tranh ảnh hưởng giữa các cường quốc tại đây có thể được hạn chế. Dù sao thì ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc trong khu vực là sự ổn định trên Bán đảo Triều Tiên để tiếp tục phát triển kinh tế trong nước. Bắc Kinh cũng mong muốn thiết lập một nền hòa bình vĩnh viễn trên Bán đảo này".
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un hiện đang ở Bình Nhưỡng để thảo luận về tiến trình phi hạt nhân hóa và các giai đoạn cho tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên.
Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều lần 3 này diễn ra sau khi Tổng thống Trump hủy bỏ chuyến thăm Bình Nhưỡng của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hồi tháng 8/2018 khi cho rằng chưa có đủ tiến triển trong tiến trình phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên.
Với Bình Nhưỡng, phi hạt nhân hóa tức là "các biện pháp được thực hiện đồng bộ và theo từng giai đoạn", gắn với việc dỡ bỏ dần dần các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế với Triều Tiên. Tuy nhiên, cách hiểu về phi hạt nhân hóa của Mỹ và Triều Tiên không thống nhất với nhau nên Washington vấn tiếp tục gây sức ép cho Bình Nhưỡng về vấn đề này.
Chuyên gia Kazianis khẳng định dù có nhiều khó khăn nhưng tiến trình này vẫn có thể thực hiện được nếu Triều Tiên thể hiện thiện chí bằng cách giao nộp danh sách các đầu đạn hạt nhân của quốc gia này.
"Một số nghị quyết về trừng phạt Triều Tiên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có thể sẽ được dở bỏ cũng như Hàn Quốc sẽ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đơn phương nếu Triều Tiên có một vài động thái nhượng bộ", ông Kazianis nhận định./.
Lãnh đạo Triều Tiên thân mật tiếp đón Tổng thống Hàn Quốc tại Bình Nhưỡng
Triều Tiên-Hàn Quốc sẽ công bố kế hoạch khôi phục đàm phán hạt nhân