Căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn sẽ diễn ra dù có Donald Trump hay không, các chuyên gia tại Hội nghị Thượng đỉnh Singapore ngày 15/9 nhận định.

a_doot.jpeg
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 9/11/2017 trong chuyến công du châu Á 10 ngày của ông Trump. Ảnh: Getty

Theo giáo sư Dani Rodrik tại Đại học Harvard, trong khi những biện pháp "điên rồ" của Tổng thống Mỹ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn, ông chỉ là một biểu hiện của những phát triển gây nên căng thẳng chứ không phải "nguyên nhân" cho những căng thẳng đó.

"Tôi cho rằng chúng ta không cần phải phóng đại vai trò của Trump. Tôi nghĩ Trump giống một "triệu chứng" hơn là "nguyên nhân" của các vấn đề... Dù Trump có là Tổng thống thống Mỹ hay không thì bằng nhiều cách, chúng ta vẫn phải đối mặt với những căng thẳng như vậy", giáo sư Rodrik nhận định. Ông cũng chỉ rõ về các vấn đề mang tính cấu trúc trong nền kinh tế thế giới cũng như việc cạnh tranh giữa các cường quốc chính trị và kinh tế mới nổi.

Giáo sư Đại học Harvard cho rằng Tổng thống Mỹ tuy có "khả năng" nhưng lại thiếu một chiến lược lâu dài. Minh chứng cho điều này thể hiện ở việc ông Trump luôn coi "xuất khẩu là tốt và nhập khẩu là xấu" cũng như quan điểm: "Bất cứ điều gì tốt cho bên này thì sẽ xấu cho bên kia và ngược lại".

"Nói cách khác, ông ấy không phải kiểu người sẽ đi theo một con đường. Ông ấy rất dễ bị ảnh hưởng", vị giáo sư này kết luận.

Cả Mỹ và Trung Quốc đều "mắc kẹt" trong cuộc chiến thương mại khi áp các mức thuế đáp trả lẫn nhau. Mới đây nhất, Tổng thống Trump đã tuyên bố ngày 17/9 về việc áp thuế bổ sung lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.

George Yeo, cựu Ngoại trưởng Singapore nhận định tại một hội nghị ngày 15/9 rằng "chuyện lớn" ở đây là sự trỗi dậy của Trung Quốc. Chiến tranh thương mại chỉ biểu lộ một phần cho những căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và khẳng định thêm "cuộc chiến" này có thể sẽ kéo dài trong nhiều năm nữa.

Mỹ đang ngày càng lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc, ông Yeo nhận định. Ông cũng cho biết cựu chiến lược gia trưởng Nhà Trắng Steve Bannon khẳng định đó là một "cuộc chiến tranh kinh tế" chứ không phải một "cuộc chiến thương mại".

"Không khó để một cuộc chiến kinh tế trở thành một cuộc chiến chính trị và trở thành một cuộc chiến tranh thực sự", ông Yeo khẳng định.

Cả 2 cường quốc đều cần một sự "thỏa hiệp" lẫn nhau trong thế giới đa cực này, giáo sư Rodrik nhấn mạnh. Trung Quốc khẳng định quốc gia này có thể điều tiết nền kinh tế của mình trong khi phương Tây cũng cần công nhận nền kinh tế lớn nhất châu Á này vận hành theo hình mẫu riêng của nó.

Ông cũng cho rằng mặt khác, Trung Quốc cần có những chính sách nhất định với châu Âu và Mỹ để tạo nên một thế giới mà ở đó các quốc gia có thể "cùng tồn tại hòa bình".

"Trung Quốc đang có một cuộc chơi dài hơi", ông Rodrick nhận định và câu hỏi được đặt ra hiện nay là thế giới sẽ thích nghi như thế nào với sự trỗi dậy của Bắc Kinh.

"Tôi cho rằng Trump thực sự chỉ là một hiện tượng tạm thời bởi vẫn còn nhiều vấn đề sâu xa khác", giáo sư Đại học Havard Rodrick khẳng định./.