“Trung Quốc không có quyền phá hủy các rạn san hô mỏng manh ở quần đảo Trường Sa và quấy rối ngư dân ven biển trên Biển Đông”, James Borton, cựu phóng viên quốc tế báo Mỹ The Washington Times, khẳng định. Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông đề nghị thực hiện một chiến dịch mạng xã hội mà ông tạm lấy tên là “Cứu Biển Đông”.
Bài 1: Trung Quốc hủy hoại môi trường biển
Trung Quốc đã và đang gây tổn hại không thể phục hồi đối với đa dạng sinh học, cân bằng sinh thái nhiều khu vực thuộc Biển Đông, đặc biệt là tại quần đảo Trường Sa.
Biển Đông - Ngư trường truyền thống của Việt Nam
Tại sao ông quan tâm môi trường ở Việt Nam, đặc biệt là Biển Đông?
Tôi có duyên nợ với sông nước từ lâu, từng là thủy thủ và làm nhiều việc trên đại dương. Đại dương của chúng ta đang bị tấn công bởi biến đổi khí hậu, hiện tượng thời tiết El Nino, nước biển dâng, acid hóa đại dương và cơn thèm khát cá của thế giới. Tiếp cận nguồn cá rất quan trọng, không chỉ đối với ngư dân Việt Nam mà còn đối với các quốc gia ven biển.
Biển Đông là huyết mạch thương mại của quốc gia và là một trong những vùng dồi dào cá nhất thế giới. Nó luôn là ngư trường truyền thống của Việt Nam, nếu không muốn nói là ngư trường do tổ tiên để lại. Tương lai sẽ xác định tình thế tiến thoái lưỡng nan của Việt Nam nếu thế hệ trẻ hiện nay không thực hiện các bước theo hướng bảo tồn và phát triển bền vững các nguồn tài nguyên biển đang suy giảm.
Chính xác những vấn đề môi trường ở Biển Đông là gì?
Các hoạt động nạo vét của Trung Quốc ở Trường Sa ảnh hưởng đáng kể môi trường biển trong khu vực. Đa dạng sinh học rộng lớn ở quần đảo Trường Sa đang bị tấn công và Trung Quốc đang gây thiệt hại không thể đảo ngược và lan rộng đến đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái.
Quan điểm này được các nhà khoa học môi trường hàng đầu ủng hộ, bao gồm TS Nguyễn Chu Hồi (ĐH Quốc gia Hà Nội) của Việt Nam và những người khác. Nguy hiểm đang gia tăng khi các tuyên bố về chủ quyền đối lập nhau nóng lên giữa Trung Quốc và Việt Nam. Chúng ta cần rất rõ ràng rằng, Trung Quốc không có quyền phá hủy các rạn san hô mỏng manh ở quần đảo Trường Sa và quấy rối ngư dân ven biển trên Biển Đông.
Trung Quốc cưỡng đoạt Biển Đông
Hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc gây nguy hại như thế nào?
Việc người Trung Quốc bồi đắp các bãi đá bằng cách đào cát từ các rạn san hô gần đó đã làm đảo lộn hệ sinh thái biển của khu vực, phá hủy hoàn toàn các rạn san hô được hình thành, trong đó có một số rạn san hô hàng trăm năm tuổi. Và trong quá trình đó, họ đã phá hủy môi trường sống của nhiều loài sinh vật biển.
Ông James Borton bên bãi biển Cù Lao Chàm. |
Tôi được TS Chu Mạnh Trinh (Phó phòng Kỹ thuật Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam) mời, người đi cùng tôi đến Cù Lao Chàm. Trong 11 năm qua, nhà khoa học biển 53 tuổi còn đầy nhiệt huyết và đam mê đại dương đã vượt qua 20 km trên biển từ cảng Cửa Đại (Hội An) để đảm bảo sự thành công của Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm và để bảo tồn thiên đường này. Lần đầu tiên ông ấy đến đảo, túi nylon, rác rưởi và xác động vật biển vứt bừa bãi trên đảo.
Ông nghĩ gì về khu bảo tồn biển này?
Việt Nam đã quy hoạch và phê duyệt các khu bảo tồn biển. Trong khi nhiều khu bảo tồn biển đã thất bại hoặc chỉ đạt một phần mục tiêu quản lý, tôi được trực tiếp chứng kiến mô hình du lịch sinh thái thành công này, phơi lộ cả một cầu vồng của cuộc sống nhiệt đới ẩn nấp giữa những loài san hô cứng và mềm. Trên hòn đảo hoang sơ này, đến bằng tàu nhanh từ bến cảng Hội An trong 25 phút, tôi đã gặp gỡ các ngư dân địa phương, những người hiểu và đã bảo tồn cá và đánh bắt một cách bền vững.
Tất cả cư dân sống trên đảo đều biết rằng, Biển Đông và vùng ven biển bảo hộ, bảo đảm cho cuộc sống của họ. Tôi nhớ những gì tôi đọc trong cuốn “Đời sống Đại dương” (The Ocean Life) của nhà sinh học biển Callum Roberts: “Điều cần thiết cho cuộc sống đại dương và cho chính chúng ta là chúng ta phải thay đổi từ sử dụng tài nguyên thành chở che và nuôi dưỡng chúng”.
Cảm ơn ông.