Theo Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO), chỉ trong tháng 7/2012, giá lương thực toàn cầu đã tăng 6%.

Nắng nóng và hạn hán đã ảnh hưởng tiêu cực tới vụ ngũ cốc và đậu nành tại nhiều khu vực của Mỹ. Sản lượng lúa mỳ của những nước xuất khẩu lớn như Nga, Ukraine…cũng sụt giảm do thời tiết khắc nghiệt.

khung-hoang-luong-thuc.jpg
Giá lương thực tăng cao đang đặt ra nguy cơ tái diễn khủng hoảng lương thực (Ảnh: Tin tức)

Tại Balkan, hạn hán chưa từng thấy cũng gây thiệt hại ước tính lên tới trên 1 tỷ euro cho ngành nông nghiệp tại một trong những khu vực nghèo nhất ở châu Âu này.

Dù giá lương thực vẫn còn nằm dưới mức đỉnh của tháng 2/2011 và tình hình cũng chưa đến mức gây ra một cuộc khủng hoảng toàn cầu trong ngắn hạn nhưng xu hướng leo thang của giá lương thực đang gây lo ngại.

Theo tạp chí Chính sách đối ngoại (Mỹ) ngày 24/8, trong bối cảnh này, các quốc gia không nên làm tình hình xấu hơn bằng các chính sách chỉ phục vụ lợi ích của riêng mình khi đương đầu với một cuộc khủng hoảng lương thực.

Tại các quốc gia thu nhập cao như Mỹ và Tây Âu, giá lương thực tăng cao đột ngột tạo ra nhiều thách thức, buộc các gia đình, đặc biệt là các hộ nghèo, phải đưa ra những lựa chọn khó khăn khi chi tiêu. Tại các nước thu nhập thấp, giá lương thực tăng gây ra những khó khăn vô cùng lớn, buộc người dân phải đưa ra những quyết định sống còn.

Thực tế này đặc biệt đúng đối với những gia đình nghèo ở các quốc gia phải nhập khẩu lương thực như Angola, Ai Cập và Tunisia. Giá lương thực tăng cao cũng có thể gây bất ổn xã hội như từng xảy ra trong những năm gần đây, gây áp lực cho ngân sách quốc gia phải trợ giá lương thực.

Trong bối cảnh giá lương thực tăng nhanh, người đứng đầu chính phủ các nước thường đối mặt với các quyết định quan trọng: Làm thế nào để ổn định hoặc đảo ngược giá lương thực đột ngột tăng? Làm thế nào để phản ứng trước nhu cầu cấp bách của người dân khi giá tăng cao và thiếu hụt lương thực? Phản ứng trước nhu cầu tăng cao, chính phủ ở một số quốc gia xuất khẩu trước đây thường áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu các mặt hàng lương thực sản xuất trong nước.

Các biện pháp này được thực hiện dưới nhiều hình thức như đưa ra hạn ngạch xuất khẩu, đánh thuế xuất khẩu cao, như trường hợp Trung Quốc tăng thuế xuất khẩu ngũ cốc và Ấn Độ ngừng xuất khẩu lúa mỳ năm 2007.

Xét góc độ toàn cầu, việc hạn chế xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp của những nhà xuất khẩu chính sẽ gây nguy hại về an ninh lương thực cho nhiều quốc gia khác. Viện Nghiên cứu và Chính sách Lương thực quốc tế cho biết việc hạn chế xuất khẩu của một số quốc gia trong cuộc khủng hoảng giá lương thực 2007- 08 đã góp phần làm tăng hơn 60% giá gạo toàn cầu.

Lạm phát giá lương thực khiến các quốc gia thiếu lương thực hoảng loạn mua thêm và đẩy mạnh tích trữ các sản phẩm lương thực, khiến tình hình trầm trọng hơn. Nói rộng hơn, hậu quả của các chính sách hạn chế xuất khẩu, mua và tích trữ lương thực như vậy có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng về giá lương thực, tác động đến an ninh toàn cầu.

Để đối phó với nguy cơ này, chính phủ Mỹ đã tích cực tìm kiếm thỏa thuận trên các diễn đàn đa phương để gỡ bỏ các rào cản xuất khẩu lương thực và đảm bảo rằng các quốc gia hạn chế sử dụng những biện pháp này trong tương lai.

Năm 2011, các nhà lãnh đạo G20 đã thúc đẩy các biện pháp dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu lương thực và các cam kết này sẽ được đẩy mạnh tại Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Nga sắp tới.

Đã đến lúc các nhà lãnh đạo thế giới cần phải thừa nhận rằng việc hạn chế xuất khẩu sẽ làm suy giảm mục tiêu an ninh lương thực. Dù các biện pháp này có thể phục vụ lợi ích trước mắt trong nước, nhưng sẽ gây tác hại vô cùng lớn đối với người dân ở các quốc gia khác đang phụ thuộc phần lớn vào nguồn lương thực nhập khẩu.

Trong bài trả lời phỏng vấn mới đây trên nhật báo Le Monde (Pháp), người đứng đầu Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) Jose Graziano Da Silva cũng đã cảnh báo giá lương thực sẽ leo thang và biến động nhiều trong 10 năm tới. Ông Da Silva đánh giá sự phối hợp quốc tế đã được nâng cao nhờ một sáng kiến của nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G20) nhằm tăng cường sự minh bạch trên các thị trường nông sản. Người đứng đầu FAO đề nghị các nước ngừng dùng các cây lương thực, như ngô, để sản xuất nhiên liệu và cho rằng vấn đề này có thể tránh được trong tương lai, khi công nghệ nhiên liệu sinh học tiên tiến hơn sẽ được áp dụng cùng với việc tăng cường sử dụng các cây phi lương thực.

Ông Da Silva cho biết, 1/3 trong tổng sản lượng lương thực đã bị hao hụt và mất đi do công tác tích trữ kém tại các nước đang phát triển, hoặc bị vứt bỏ và "rơi vãi" tại các nước giàu. Quan chức này cũng khẳng định, an ninh nguồn nước đóng vai trò sống còn đối với an ninh lương thực, đồng thời thúc giục các nước sản xuất nông sản hàng đầu thế giới phối hợp hành động để làm dịu bớt mối lo ngại về giá lương thực gia tăng./.