Làn sóng phản đối Israel của người Palestine đã bước sang tuần thứ 7 và dự kiến các cuộc biểu tình sẽ lên đến đỉnh điểm vào những ngày tới, khi Mỹ chuyển Đại sứ quán từ Tel Aviv tới Jerusalem.

download_tnlw.jpg
Nguy cơ bùng phát bạo động tại Gaza khi Mỹ khai trương Đại sứ quán tại Jerusalem ngày 14/5. Ảnh: Reuters

Số người thiệt mạng trong các cuộc xung đột giữa người biểu tình Palestine và quân đội Israel đã lên đến 44 người, kể từ khi các cuộc biểu tình nổ ra vào hôm 30/3.

Theo số liệu của một tổ chức từ thiện, tổng số trẻ em bị thương đã lên đến gần 700 người. Cộng đồng quốc tế đã nhiều lần chỉ trích việc quân đội Israel sử dụng đạn thật, gây thương vong cho người biểu tình.

Liên Hợp Quốc và Liên minh châu Âu cũng kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra độc lập về tình hình tại đây. Tuy nhiên, Israel đã bác bỏ đề nghị này. Ứớc tính sẽ có hàng chục nghìn người Palestine tham gia biểu tình ở khu vực biên giới giữa Dải Gaza và Israel trong vài ngày tới, khi Mỹ chuyển Đại sứ quán tới Jerusalem vào ngày 14/5 và ngày 15/5 cũng sẽ đánh dấu thời điểm mà hàng trăm nghìn người Palestine phải rời đi khi Nhà nước Israel ra đời năm 1948.

Mỹ quyết định chuyển Đại sứ quán đến Jerusalem khi tiến trình hòa bình Trung Đông đang lâm vào bế tắc. Các quan chức Palestine kêu gọi các nhà ngoại giao, các quan chức tôn giáo, tổ chức xã hội dân sự tẩy chay buổi lễ chuyển Đại sứ quán của Mỹ tới Jerusalem.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cũng đang có chuyến thăm 3 nước Mỹ Latin bao gồm Venezuela, Chile và Cuba, với kêu gọi các nước khu vực không nên làm theo quyết định gây tranh cãi của Mỹ.

Phát biểu ngày 11/5 khi ở thăm Chile, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tiếp tục lên án mạnh mẽ quyết định của Mỹ: “ Quyết định của Mỹ chuyển Đại sứ quán đến Jerusalem là đi ngược lại sự hợp pháp quốc tế. Quyết định này Mỹ cũng ảnh hưởng đến vị thế của Mỹ là một quốc gia hòa giải xung đột Israel-Palestine, với việc gia tăng sự ủng hộ đối với Israel”.

Các quốc gia Mỹ Latin mà Tổng thống Abbas đến thăm đều thể hiện sự ủng hộ với Palestine. Trong đó, Tổng thống Chile Sebastian Pinera nhấn mạnh ủng hộ giải pháp hai nhà nước, ủng hộ Palestine là một quốc gia, tự do độc lập và chủ quyền. Hiện Chile là nước ngoài khu vực Trung Đông có đông người dân Palestine sinh sống nhất với khoảng 350.000 người.

Trong khi đó, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cũng khẳng định: “Venezuela ủng hộ mạnh mẽ một Palestine tự do độc lập có chủ quyền. Chúng tôi phản đối tất cả các quyết định gây hấn của Mỹ về Jerusalem và đây là một quyết định bất hợp pháp, không được Liên Hợp Quốc công nhận”.

Hiện cũng có một số quốc gia theo gót Mỹ là Paraguay và Guatemala thông báo sẽ chuyển Đại sứ quán tới Jerusalem trong tháng 5.

Giới quan sát nhận định, qui chế của Jerusalem là một vấn đề nhạy cảm trong cuộc xung đột giữa Israel và Palestine. Do đó, các quốc gia cần thận trọng trong những bước đi của mình, tránh đổ “thêm dầu vào lửa” bởi tình hình vốn đã rất căng thẳng giữa Israel và Palestine./.