Làn sóng biểu tình phản đối sắc lệnh mới của Tổng thống Ai Cập Mohamed Mursi ngày 24/11 vẫn tiếp diễn và có nguy cơ biến thành bạo lực khi đụng độ nổ ra giữa người biểu tình và lực lượng an ninh.

Tổng thống Ai Cập Mohamed Mursi tiếp tục phải đối mặt với làn sóng phản đối rầm rộ trong nước, mà đi đầu là các thẩm phán. Đây là những đối tượng chịu tác động mạnh nhất trong quyết định vừa qua của ông Mohamed Mursi.

Sau cuộc họp khẩn ngày 24/11, các thẩm phán thuộc Hội đồng Tư pháp tối cao Ai Cập cho rằng, tuyên bố Hiến pháp mới của Tổng thống là một "đòn tấn công chưa từng có"  và yêu cầu ông Mohamed Mursi không để tuyên bố Hiến pháp đụng chạm đến quyền lực tư pháp hay can thiệp vào những vấn đề thuộc hệ thống này.

ai-cap.jpg
Một cuộc bạo loạn tại Ai Cập (Ảnh: Reuters)

Cùng thời điểm, các phong trào đối lập do cựu Tổng Giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế Mohamed Elbaradei và các ứng cử viên tổng thống trước đây đứng đầu đã ký một thông cáo tuyên bố từ chối mọi cuộc đối thoại với Tổng thống chừng nào ông này không rút lại quyết định.

Ông Mohamed Elbaradei nói: “Vấn đề cốt lõi hiện nay là phải rút lại tuyên bố hiến pháp. Chúng tôi muốn một cơ quan hiến pháp mới nhằm xây dựng một hiến pháp dân chủ đảm bảo quyền lợi, tự do, sự cân bằng về quyền lực và chúng tôi muốn một chính phủ có đủ khả năng bảo vệ quốc gia, đưa đất nước thoát khỏi tình trạng rối ren này, tập trung vào kinh tế và bảo đảm an ninh.”

Trong khi đó, các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn ở thủ đô Cairo. Cảnh sát nhiều lần đã phải sử dụng súng hơi cay để giải tán đám đông người biểu tình, đặc biệt là tại quảng trường Tahrir. Đây cũng là trung tâm diễn ra các cuộc biểu tình lật đổ chính quyền của Tổng thống Hosni Mubarack hồi đầu năm 2011.

Những người phản đối ông Mursi kêu gọi một cuộc biểu tình quy mô vào ngày 27/11 tới tại quảng trường Tahrir.

Rõ ràng, Tổng thống Mursi đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chưa từng có kể từ khi ông này nhậm chức hồi tháng 6 vừa qua. Dù ông Mursi tuyên bố, những quyết định của ông là nhằm thúc đẩy cải cách dân chủ và sẽ hết hiệu lực ngay sau khi Hiến pháp mới được thông qua, thì điều này cũng không thể làm dịu tình hình căng thẳng trong nước. Bởi trên thực tế, ông Mursi hiện nắm trong tay quyền lực tối thượng cả về hành pháp lẫn lập pháp khi mà quốc hội nước này đã ngừng hoạt động ngay trước khi ông đắc cử hồi tháng 6 vừa qua và việc soạn thảo hiến pháp vẫn lâm vào bế tắc. Trong khi đó, cuộc đấu tranh quyền lực giữa lực lượng Hồi giáo và chính thể trước đó vẫn chưa chấm dứt. Những thế lực trong giới kinh tế, quân đội, cảnh sát và tư pháp muốn phục hồi thể chế cũ vẫn còn rất mạnh.

Lo ngại Ai Cập có thể trở lại thời chính biến, kéo theo rất nhiều tác động và hệ lụy tới an ninh, ổn định, hòa bình đến cả nhiều bên khác trong khu vực, Mỹ và châu Âu đã kêu gọi Tổng thống Mursi tiếp tục tiến trình dân chủ.

Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle kêu gọi ông Mursi hành động có trách nhiệm vì người dân và kêu gọi một sự phân chia quyền lực hợp lý tại nước này.

“Những diễn biến tại Ai Cập là rất đáng lo ngại. Chúng tôi mong muốn tiến trình dân chủ và các quy đinh luật pháp, cũng như các cuộc đàm phán về phân chia quyền lực sẽ được tiếp tục. Đồng thời, chúng tôi cũng chia sẻ những lo ngại của người dân Ai Cập và cộng đồng quốc tế về tình hình hiện này. Điều quan trọng nhất là những mục tiêu của cuộc cách mạng sẽ không bị mất đi trong thời điểm chuyển giao này”- Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle nói.

Chính phủ Mỹ cũng một lần nữa nhắc lại rằng, một trong những nguyện vọng của người dân là nhằm đảm bảo rằng quyền hạn sẽ không tập trung quá nhiều trong tay một cá nhân hay một thể chế. Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh, tăng cường quyền hạn của Tổng thống sẽ gây ra nhiều lo ngại và kêu gọi các đảng phái tại nước này giải quyết bất đồng thông qua đối thoại dân chủ./.