Không khí đón chào năm mới 2018 đang len lỏi ở khắp mọi nơi trên thế giới khi mà những giờ phút cuối cùng của năm 2017 chuẩn bị qua đi.
Năm ngoái đã có khoảng 1 triệu lượt khách tập trung ở Quảng trường Thời đại để chứng kiến lễ thả quả cầu pha lê. |
Vào khoảng 17h (giờ Việt Nam), tiếng chuông đón chào năm mới sẽ vang lên ở quốc đảo Samoa, Tonga và đảo Christmas của Cộng hòa Kiribati. Đây cũng là 3 nơi đón giao thừa sớm nhất trên thế giới.
Kể từ thời điểm này, theo vòng quay của Trái đất, tất cả các quốc gia trên thế giới sẽ lần lượt bước sang năm mới 2018.
Tại Mỹ, thả quả cầu pha lê tại Quảng trường Thời đại đêm giao thừa là một truyền thống có từ lâu đời và thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước Mỹ. Mặc dù quả cầu với 2.688 khối tam giác bằng pha lê đã được hoàn thiện từ trước đây vài ngày, các nghệ nhân và kỹ sư sẽ liên tục thử nghiệm quả cầu cho tới những giờ cuối cùng của năm 2017 để đảm bảo nó sẽ rơi đúng vào thời khắc giao thừa trong khi các khối pha lê đồng thời phát sáng.
Tại Brazil, hàng chục nghìn quả bóng bay đầy màu sắc được thả lên bầu trời thành phố Sao Paulo để chuẩn bị đón chào năm mới. Trong khi đó, công tác chuẩn bị cho lễ mừng năm mới ở bãi biển Copacabana với 17 phút bắn pháo hoa và màn biểu diễn của các nghệ sỹ nổi tiếng cũng sẵn sàng.
Bên cạnh niềm vui đón chào năm mới, nhiều nước ở châu Âu cũng như Mỹ vẫn đang phải thắt chặt công tác kiểm tra an ninh ở những khu vực nhạy cảm cũng như nơi tập trung đông người trong đêm Giao thừa.
Theo tính toán, vùng đất đón năm mới muộn nhất trên thế giới thuộc về thành phố Honolulu, Hawaii, Mỹ. Nơi đây sẽ đón chào ngày đầu tiên của năm 2018 đúng 24 giờ sau đó tức là khoảng 17h ngày 1/1/2018 (giờ Việt Nam)./.