Sáng 14/1, những người tham gia cuộc biểu tình "đóng cửa Bangkok" ở Thái Lan đã tập trung tiến hành bao vây một số công sở của Chính phủ như Cơ quan Cảnh sát quốc gia, Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Công nghiệp, Bộ Lao động, Bộ Thương mại, Cục Hải quan... Một lãnh đạo biểu tình còn tuyên bố sẽ cắt điện, nước ở các công sở để công chức không thể tiếp tục làm việc.

Tuy nhiên, Ban lãnh đạo biểu tình khẳng định sẽ không tiến hành bao vây trụ sở Thị trường chứng khoán Thái Lan, ga tàu điện và sân bay. 

bieu%20tinh%20bao%20vay.jpg
Người biểu tình ở Băng Cốc bắt đầu tuần hành bao vây công sở ngày 14/1 (Ảnh TBPS)

Lãnh đạo biểu tình cũng tuyên bố không tham gia cuộc thảo luận 5 bên do Chính phủ tổ chức về vấn đề hoãn bầu cử Hạ viện. Trong khi đó, Ủy ban bầu cử lại tiếp tục gửi công văn tới Thủ tướng tạm quyền Yingluc đề nghị tạm hoãn bầu cử hạ viện do tình hình chính trị Thái Lan bất ổn.

Quan điểm hiện nay của Chính phủ là Ủy ban bầu cử Thái Lan phải thúc đẩy tiến trình bầu cử theo đúng luật định. Nếu có khó khăn phát sinh, Ủy ban bầu cử có toàn quyền tiến hành điều chỉnh, bổ sung.

Về phía Chính phủ tạm quyền Thái Lan, Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra ngày 14/1 không tiến hành họp Nội các mà tập trung cùng các nhà lãnh đạo chủ chốt của Chính phủ theo dõi và chỉ đạo việc kiểm soát biểu tình.

Trong khi đó, Tổng thư ký Hội đồng an ninh quốc gia, trung tướng Paradorn cho biết: Chính phủ đã có các biện pháp đối phó với những hoạt động biểu tình, bố trí cảnh sát bảo vệ tất cả các sân bay và các công sở quan trọng, trong đó có Thị trường chứng khoán Thái Lan.

Chính phủ vẫn kiên trì biện pháp mềm dẻo, chú trọng việc thương lượng với biểu tình cả ở cấp cao và cấp thừa hành. Chính phủ sẽ chỉ áp dụng sắc lệnh tình trạng khẩn cấp khi cần thiết./.