Các nhà lãnh đạo này phản đối việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel của Tổng thống Donald Trump, đồng thời cảnh báo động thái này sẽ gây tức giận cho tất cả người Hồi giáo, đe doạ hòa bình thế giới, và thúc đẩy căng thẳng, chia rẽ, hận thù trên toàn thế giới.

jerusalem_oqqo.jpg
Jerusalem. Ảnh: NBC.

Các nhà lãnh đạo Arab đều phản đối ý định chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới Jerusalem và công nhận đây là thủ đô của Israel của chính quyền Donald Trump; cảnh báo Tổng thống Donald Trump về sự nghiêm trọng của động thái này và cho rằng bất kỳ tuyên bố nào của Mỹ về Jerusalem trước khi đạt được giải pháp cuối cùng sẽ gây tổn hại cho các cuộc đàm phán hòa bình Israel và Palestine, gây căng thẳng trong khu vực.

Động thái này còn gây kích động tình cảm của người Hồi giáo trên khắp thế giới khi đụng chạm tới Nhà thờ Al Aqsa – trái tim linh thiêng của người Hồi giáo. Các nước Arab đều bày tỏ ủng hộ chính quyền Palestine và chủ quyền pháp lý của Palestine theo luật pháp quốc tế và các Nghị quyết của Liên Hợp Quốc.

Liên đoàn Arab trong cuộc họp khẩn cấp đã cảnh báo mức độ nghiêm trọng của động thái này và xem xét rằng sự công nhận trên như là "một cuộc tấn công rõ ràng nhằm vào các quốc gia Arab và các quyền của nhân dân Palestine". Liên đoàn Arab kêu gọi Mỹ tuân thủ các nghị quyết quốc tế liên quan đến Jerusalem.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas chính thức phản đối ý định của Tổng thống Donald Trump liên quan tới Jerusalem và đã liên lạc với các nhà lãnh đạo Arab, lãnh đạo các nước, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tòa thánh Vatican, Đại giáo chủ Azhar Ahmed al-Tayeb đề nghị họ can thiệp và ngăn cản ông Donald Trump tuyên bố Jerusalem là thủ đô của Israel.

Chính quyền Palestine cho rằng động thái này là một hành động "nhục nhã", đi ngược với vai trò của Mỹ trong trung gian của tiến trình hòa bình và tuyên bố sẽ cắt đứt quan hệ nếu Mỹ tiến hành bước đi như dự định. Palestine khẳng định Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước tương lai của họ.

Đại giáo chủ Sheikh Ahmed al-Tayeb của Al-Azhar nói rằng nếu các sứ quán nước ngoài được mở cửa ở Jerusalem, những cánh cửa địa ngục sẽ mở ra phía tây trước hướng Đông. Ông nhấn mạnh rằng thực hiện bước đi này sẽ gây ra sự tức giận của tất cả người Hồi giáo, đe doạ hòa bình thế giới, và thúc đẩy căng thẳng, chia rẽ, hận thù trên toàn thế giới.

Trong cuộc trao đổi với ông Donald Trump, Tổng thống Ai Cập Fattah El-Sisi đã khẳng định quan điểm vững chắc của nước này trong việc duy trì tư cách pháp lý của Jerusalem trong khuôn khổ các tài liệu quốc tế và các nghị quyết của Liên Hợp Quốc.

Ông El-Sisi nhấn mạnh cần nỗ lực để không làm phức tạp tình hình trong khu vực và làm suy yếu cơ hội hòa bình ở Trung Đông. Trong khi đó, Quốc vương Morocco cho rằng khu vực Trung Đông vốn chịu tác động của cuộc khủng hoảng sâu sắc và căng thẳng thường xuyên, đòi hỏi phải tránh tất cả những gì sẽ gây bất công và ảnh hưởng đến sự ổn định mong manh trong khu vực.

Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi cũng bác bỏ quyết định của ông Donald Trump về việc chuyển Đại sứ quán tại Israel tới Jerusalem.

Dự kiến ngày 6/12 (theo giờ Mỹ), Tổng thống Donald Trump sẽ có bài phát biểu quan trọng trong đó có liên quan tới việc chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem, công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Thực tế, ý tưởng này đã có từ 22 năm trước. Ngày 23/10/1995, Quốc hội Mỹ đã thông qua luật cho phép chuyển Đại sứ quán từ Tel Aviv đến Jerusalem, thừa nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và cho phép Tổng thống có quyền ký nó để phê duyệt.

Tuy nhiên các Tổng thống Bill Clinton, George W. Bush, và Barack Obama đã không ký. Nếu Tổng thống Donald Trump ký “Luật của Đại sứ quán tại Jerusalem” ông sẽ là Tổng thống Mỹ đầu tiên công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và Mỹ sẽ là nước đầu tiên chính thức công nhận như vậy./.