Ngày hôm quan 30/3, Nga và Mỹ một lần nữa nhất trí quan điểm rằng, cuộc khủng hoảng ở Ukraine cần phải giải quyết thông qua con đường ngoại giao. Mặc dù vậy, sau 4 giờ đàm phán ở Paris, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã không thể tìm ra tiếng nói chung để giải quyết vấn đề Ukraine.

kerry-lavrov1.jpg
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong cuộc gặp ở Paris hôm 30/3 (Ảnh: AP) 

AP dẫn lời ông Kerry trả lời phỏng vấn các phóng viên tại Đại sứ quán Mỹ ở Paris sau cuộc họp với Ngoại trưởng Nga cho hay: “Việc quân đội Nga tập trung ở khu vực biên giới Ukraine tạo ra một bầu không khí sợ hãi, căng thẳng bao trùm ở Ukraine. Hành động này của Nga không tạo ra môi trường cần thiết cho đối thoại”.

Trước đó, Mỹ đã cáo buộc Nga điều động hàng chục nghìn binh sỹ tới khu vực biên giới với Ukraine để đe dọa các nhà lãnh đạo mới của nước này sau khi đã giành được Crimea từ Ukraine.

Ông Kerry lưu ý rằng, ngay cả khi quân đội Nga vẫn chỉ hiện diện trên lãnh thổ Nga, không tràn sang Ukraine, điều này vẫn sẽ tạo ra một bầu không khí tiêu cực.

Ngoại trưởng Kerry nói: “Câu hỏi đặt ra không phải là quyền hay tính hợp pháp của việc triển khai quân đội mà Nga thực hiện. Vấn đề đặt ra là việc làm này có phù hợp và sáng suốt trong bối cảnh hiện tại hay không”.

Theo một nguồn tin giấu tên, ông Kerry đã đề xuất ý tưởng Nga rút quân khỏi khu vực biên giới với Ukraine nhưng đáp lại, Ngoại trưởng Nga không đưa ra bất kỳ lời hứa hẹn nào liên quan đến việc rút quân. Ông Lavrov chỉ hứa sẽ trình bày các kiến nghị này lên lãnh đạo điện Kremlin.

Trong một cuộc họp báo riêng biệt tại Đại sứ quán Nga ở Paris, ông Lavrov cũng không đề cập đến việc rút quân. Thay vào đó, ông đã nêu ý tưởng của Moscow về một Ukraine theo mô hình nhà nước liên bang, theo đó nhiều khu vực sẽ được hưởng quyền tự trị lớn hơn.

Ông Lavrov cũng khẳng định mối quan tâm đặc biệt đến người Nga, những người nói tiếng Nga hiện đang sinh sống ở khu vực miền nam và miền đông Ukraine.

Ngoại trưởng Nga cho rằng, Ukraine không có chức năng như “một nhà nước thống nhất” và nên theo mô hình nhà nước liên bang với các khu vực khác nhau được tự do lựa chọn mô hình tài chính, kinh tế, xã hội, ngôn ngữ, tôn giáo riêng.

Ông Lavrov lập luận rằng, mỗi khi Ukraine bầu ra một vị Tổng thống mới, đất nước này lại thông qua một Hiến pháp mới, điều đó cho thấy Ukraine là một mô hình nhà nước “không có tính thống nhất trong hoạt động”.

Theo ông Lavrov, các quan chức Ukraine hiện nay rất thận trọng với việc phân quyền vì lo sợ rằng các khu vực ủng hộ Nga sẽ cản trở khát vọng “ngả” về phương Tây của họ. Tuy nhiên, phía Mỹ cho rằng, bất kỳ thay đổi nào liên quan đến việc lựa chọn mô hình nhà nước tương lai của Ukraine cần phải được chính người dân nước này quyết định.

Ông Kerry nói: “Chúng tôi không thảo luận về mô hình nhà nước của Ukraine. Đó không phải là việc của chúng tôi, chúng tôi cũng không có quyền gì để bàn đến việc này. Đó là lựa chọn của người dân Ukraine”.

Ngoại trưởng Mỹ nói thêm: “Chúng tôi không chấp nhận việc bàn thảo về tương lai của Ukraine mà không có sự hiện diện của Chính phủ hợp pháp Ukraine. Sẽ không có quyết định nào về Ukraine được đưa ra mà thiếu sự tham gia của họ”.

Về phần mình, ông Lavrov phủ nhận cáo buộc của Kiev cho rằng Moscow đang muốn “chia rẽ Ukraine”. Ông Lavrov nói: “Mô hình nhà nước liên bang không phải là một nỗ lực nhằm chia rẽ Ukraine như chính quyền Kiev lo sợ. Trái lại, một nhà nước liên bang sẽ mang lại lợi ích chung cho tất cả các khu vực ở Ukraine”.

Ông Lavrov cũng cho biết, ông và Ngoại trưởng Kerry đã nhất trí cùng làm việc với Chính phủ Ukraine để cải thiện quyền lợi cho những người nói tiếng Nga ở Ukraine và dẹp yên các lực lượng theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở nước này.

Ngoại trưởng Nga – Mỹ đã có không ít các cuộc gặp mặt trực tiếp và điện đàm kể từ khi khủng hoảng Ukraine nổ ra, tuy nhiên, hai bên vẫn chưa thể tìm ra một giải pháp để giải quyết bế tắc chính trị ở quốc gia này.  Dự kiến, ông Lavrov và ông Kerry sẽ tiếp tục có các cuộc gặp để bàn về vấn đề Ukraine trong cuộc họp của các Ngoại trưởng NATO diễn ra trong hai ngày  từ 2 - 3/3 tới ở Brussels, Bỉ./.