Sau một thời gian căng thẳng với những lời tuyên bố mạnh mẽ và các biện pháp trả đũa lẫn nhau, hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ đang tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Ukraine. Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 28/3 đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama. Đây được coi là cuộc điện đàm trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi Mỹ và Liên minh châu Âu bắt đầu các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.

obama-putin1.jpg
Ông Obama và ông Putin vừa có cuộc điện đàm trực tiếp đầu tiên kể từ khi Mỹ và EU bắt đầu các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga (Ảnh: AFP)

Các quan chức Mỹ miêu tả cuộc đối thoại là “thẳng thắn và trực tiếp” . Trong cuộc điện đàm, ông Obama yêu cầu Nga rút quân đội khỏi khu vực biên giới với Ukraine và không có ý định tiến sâu hơn vào Ukraine. Trong khi đó, Tổng thống Putin cũng đã đề cập đến một số bước đi mà cộng đồng quốc tế có thể đưa ra nhằm ổn định tình hình Ukraine.

Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận một đề xuất của Mỹ về một giải pháp ngoại giao đối với cuộc khủng hoảng Ukraine, mà Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đệ trình với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại một cuộc họp ở The Hague (Hà Lan) đầu tuần này.

Mỹ hối thúc Nga rút quân khỏi các căn cứ tại Crimea và nhất trí đối thoại với chính phủ Ukraine. Bên cạnh đó, các quan sát viên quốc tế cũng sẽ vào Ukraine để giám sát tình hình. Tổng thống Obama đề nghị Nga đưa ra phản ứng cụ thể bằng văn bản đối với đề xuất của Mỹ. Ngoại trưởng hai nước dự kiến sẽ sớm có cuộc gặp để thảo luận những bước đi tiếp theo. Nhà Trắng cũng nhấn mạnh, Mỹ tiếp tục ủng hộ một con đường ngoại giao trong việc tham vấn chặt chẽ với chính phủ Ukraine.

Mặc dù khẳng định nỗ lực tìm kiếm một giải pháp ngoại giao nhưng hai bên vẫn không ngừng có những lời cảnh báo và răn đe lẫn nhau. Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 28/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf cảnh báo, Nga sẽ phải đối mặt với những hậu quả lớn hơn nếu tiếp tục có  các bước đi làm tình hình căng thẳng.

Bà Harf nói: “Chúng tôi đã có các biện pháp trừng phạt  nhằm vào Nga. Nga có thể sẽ bị tổn hại nhiều hơn về kinh tế, chính trị, ngoại giao nếu họ có các bước đi khiến tình hình thêm căng thẳng. Tuy vậy, một số giải pháp vẫn đang được đặt trên bàn đàm phán”.

Phía Nga cũng khẳng định sẽ trả đũa đối với việc phương Tây mở rộng danh sách trừng phạt nhằm vào nước này.  Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh, Nga sẵn sàng đưa ra các biện pháp phản ứng thích hợp. Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin cho rằng, các nước không nên đổ lỗi cho Nga về những bất ổn tại Ukraine.

Ông Churkin nói: "Lập trường của Nga là rõ ràng nhưng một số nước không chấp nhận điều này và họ tiếp tục mong muốn có sự thay đổi từ Nga. Nếu các nước này không chấp nhận, họ cũng không nên đổ lỗi cho chúng tôi về việc mất ổn định tại Ukraine".
Cũng trong ngày 28/3, Nga tuyên bố, cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới tại Ukraine là bất hợp pháp vì nó không phù hợp với thỏa thuận đã kí giữa lực lượng đối lập Ukraine và Tổng thống bị phế truất  Viktor Yanukovych. Mặc dù vậy, Đại sứ của Nga tại Tổ chức Hợp tác và An ninh châu Âu (OSCE) Andrei Kelin nhấn mạnh, để cuộc bầu cử hợp pháp, lãnh đạo Ukraine cần phải nhận được sự ủng hộ của phần lớn người dân và cải cách hiến pháp là cần thiết, không được chậm trễ.

Trong một động thái làm giảm nhẹ tình hình, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cho biết, Nga không có ý định đưa ra các hành động quân sự xa hơn trong khu vực, đồng thời kêu gọi các bên có động thái làm giảm căng thẳng tại Ukraine.

Ông Ban nói: “Quan điểm của tôi từ đầu đó là tìm kiếm một giải pháp ngoại giao và hòa bình cho cuộc khủng hoảng, phù hợp với những nguyên tắc nền tảng của hiến chương Liên Hợp Quốc. Tôi hối thúc Nga và các nhà lãnh đạo Ukraine giảm căng thẳng, tránh có các bước đi đối đầu, tham gia ngay lập tức vào các cuộc đối thoại xây dựng và trực tiếp để giải quyết tất cả các vấn đề. Vào thời điểm này, những căng thẳng nhỏ cũng có thể làm thổi bùng lên ngọn lửa lớn và gây ra những hậu quả nghiêm trọng”.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc dự kiến sẽ có cuộc họp vào đầu tuần tới để thảo luận về tình hình Ukraine./.