Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tới Tokyo bắt đầu chuyến thăm 4 nước châu Á: Nhật Bản, Indonesia, Hàn Quốc và Trung Quốc lần đầu tiên trong tư cách Ngoại trưởng. Mục đích của chuyến thăm này, theo các nhà phân tích, là bàn thảo với lãnh đạo các nước chủ nhà về tình hình kinh tế và an ninh của khu vực và thế giới. Hôm nay (17/2), bà Hillary Clinton hội đàm với Thủ tướng Taro Aso, Ngoại trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản và lãnh đạo đảng đối lập Ichiro Azawa.
Nói với báo chí ngay sau khi đặt chân tới Tokyo chiều qua (16/2), bà Clinton cho biết Mỹ sẵn sàng mở rộng quan hệ với Chính phủ CHDCND Triều Tiên. Bà Clinton nhấn mạnh nếu CHDCND Triều Tiên cam kết lọai bỏ hoàn toàn chương trình vũ khí hạt nhân và được kiểm chứng, Chính quyền Mỹ của Tổng thống B. Obama sẽ sẵn sàng bình thường hóa quan hệ song phương với CHDCND Triều Tiên, thay thế hiệp định đình chiến trên bán đảo Triều Tiên bằng một hiệp định hòa bình vĩnh viễn, trợ giúp năng lượng và các nhu cầu kinh tế khác của nước này. Bà Clinton mong muốn CHDCND Triều Tiên cùng với cộng đồng thế giới “xây dựng hòa bình và chú trọng phát triển kinh tế để nâng cao mức sống của người dân Triều Tiên”. Bà Clinton cũng cho biết sẽ thảo luận với phía Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc cách thức tốt nhất để đưa các cuộc hội đàm 6 bên có tiến triển và đạt kết quả.
Trong khi đó, theo hãng tin Yonhap của Hàn Quốc, ngày hôm qua CHDCND Triều tiên phát đi tín hiệu cho thấy nước này đang chuẩn bị phóng vệ tinh, và từ chối đang thử nghiệm tên lửa. Hãng Thông tấn Trung ương CHDCND Triều Tiên (KCNA) cho biết nước này sẽ tiếp tục với chương trình “phát triển không gian”. Đây được coi là tín hiệu của CHDCND Triều Tiên đối với Mỹ trước khi Ngoại trưởng Hillary Clinton tới thăm Hàn Quốc trong tuần này.
Cũng trong buổi gặp gỡ với báo chí chiều qua khi đề cập cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính, các vấn đề khu vực và song phương, bà Clinton cho biết Mỹ cam kết duy trì các quan hệ đồng minh an ninh lịch sử của mình tại châu Á và dựa vào các quan hệ này để đối phó với những thách thức phức tạp toàn cầu hiện nay./.