Theo lịch trình, các nghị sĩ châu Âu sẽ nhóm họp trong ngày hôm nay tại Strasbourg để phê chuẩn thỏa thuận Brexit mà Uỷ ban châu Âu và chính phủ Anh đã ký chính thức thông qua cách đây 5 ngày. Về lý thuyết, sẽ không có bất cứ trở ngại nào đối với việc phê chuẩn, tuy nhiên, đây vẫn sẽ là thủ tục bắt buộc cuối cùng để đến ngày 31/01 tới Vương quốc Anh chính thức rời Liên minh châu Âu về mặt pháp lý.
Nghị viện châu Âu hôm nay phê chuẩn Brexit. Ảnh: Reuters |
Trên thực tế, cột mốc ngày 31/1/2020 mang tính biểu tượng chính trị nhiều hơn là tác động thực tế bởi hai bên EU và Vương quốc Anh còn một khoảng thời gian quá độ hậu Brexit, theo đó từ ngày 1/2/2020 cho đến ít nhất là ngày 31/12/2020, việc giao thương, đi lại cũng như quyền lợi của các công dân hai bên sinh sống trên lãnh thổ của nhau không hề thay đổi. Khác biệt duy nhất là trong khoảng thời gian này Vương quốc Anh không còn bất cứ quyền bỏ phiếu hay tham gia vào thiết chế nào của EU, dù vẫn phải đóng góp tài chính.
Mục đích của thời hạn quá độ là để giảm thiểu các tác động của Brexit và cho hai bên thời gian tìm kiếm một thoả thuận mới quy định tính chất của mối quan hệ tương lai giữa hai bên không chỉ về kinh tế mà còn về chính trị, an ninh.
Trong ngày 29/1, bên cạnh việc Nghị viện châu Âu họp để phê chuẩn thỏa thuận Brexit, một động thái đáng chú ý khác là Thủ tướng Anh Boris Johnson có thể sẽ đệ trình một dự luật mới lên Nghị viện Anh liên quan đến nghề cá, theo đó, từ sau thời điểm 31/12/2020, các ngư dân nước ngoài sẽ không được phép tiếp cận vùng biển của Vương quốc Anh để đánh bắt cá nếu không có sự cho phép của chính phủ Anh.
Đây có thể sẽ là động thái làm gia tăng mâu thuẫn với EU trong giai đoạn đàm phán thỏa thuận tương lai sắp tới bởi nghề cá là một trong các chủ đề gai góc nhất trong quan hệ giữa Anh và EU, do nhiều ngư dân châu Âu không muốn bị tước bỏ cơ hội đánh bắt cá tại các vùng biển giàu nguồn lợi hải sản của Anh thời hậu Brexit./.