Nghị viện Anh họp lại trong ngày hôm nay (3/9) và nhiều khả năng sẽ lập tức bỏ phiếu dự luật yêu cầu chính phủ Anh đề nghị EU tạm hoãn Brexit nếu không có thoả thuận, trong bối cảnh lo ngại về một cuộc tuyển cử sớm ngày 14/10 ngày càng dâng cao.

40c4a0aa5f1fd492d4de9b9de1fcd14f_xl_ywnk.jpg
Ảnh minh họa: AP.

Nghị viện Anh hôm nay (3/9) chính thức làm việc trở lại sau kỳ nghỉ Hè với tuần làm việc được đánh giá là khốc liệt nhất từ trước đến nay liên quan đến tiến trình Brexit.

Theo dự kiến, ngay trong phiên họp chiều tối 3/9 theo giờ London hoặc chậm nhất trong ngày mai, các nghị sĩ Anh sẽ tiến hành bỏ phiếu dự luật do nghị sĩ Công đảng Hilary Benn đệ trình. Trước đó hôm 2/9, toàn văn dự luật này đã được công bố, với mục  đích chính, như nghị sĩ Benn tuyên bố, là để đảm bảo rằng Vương quốc Anh sẽ không rời khỏi EU mà không có thoả thuận Brexit nếu không được Nghị viện Anh chấp nhận.

Trong sáng ngày 3/9, đã có ít nhất 10 nghị sĩ của đảng Bảo thủ cầm quyền ủng hộ dự luật này. Nhóm nghị sĩ chống đối này có thể lên tới 20 người, do cựu Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond dẫn đầu.

Nếu được thông qua trong ngày hôm 3/9 hoặc ngày 4/9 tại Hạ viện Anh, dự luật này lập tức được chuyển lên Thượng viện Anh để phê chuẩn trong ngày 5/9 để chính thức có hiệu lực trước ngày 9/9, thời điểm mà Nghị viện Anh phải tạm đóng cửa sau quyết định tạm treo 5 tuần của Thủ tướng Anh Boris Johnson.

Trong trường hợp dự luật này được thông qua, Nghị viện Anh sẽ cho chính phủ Anh thời gian đến ngày 17/10/2019, tức khi diễn ra Thượng đỉnh EU tại Brussels, để đạt được một thoả thuận với EU. Nếu không, ông Boris Johnson sẽ phải chính thức đề nghị với EU lùi Brexit đến ngày 31/01/2020.

Tuy nhiên, giới phân tích tại Anh đang nghiêng về khả năng thứ hai khi luật này được thông qua, đó là nước Anh sẽ phải tổ chức tiến hành tuyển cử trước thời hạn vào ngày 14/10. Hôm 2/9, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã triệu tập phiên họp nội các khẩn cấp và các nguồn tin từ nội bộ đảng Bảo thủ cho biết, chính phủ Anh ý thức được rằng cuộc bỏ phiếu nhiều khả năng sẽ thành công do các nghị sĩ chống đối trong đảng Bảo thủ không chịu từ bỏ yêu sách bất chấp các đe doạ từ ông Johnson về việc tước bỏ tư cách đại diện. Trong trường hợp này, ông Boris Johnson sẽ yêu cầu tuyển cử trước thời hạn vào ngày 14/10.

Tuy nhiên, để tổ chức tuyển cử trước thời hạn, chính phủ của ông Johnson sẽ phải nhận được sự đồng ý của 2/3 tổng số nghị sĩ, tức ít nhất là 434 người. Đây cũng sẽ là một tình huống phức tạp bởi một số đảng phái chưa chắc đã muốn tuyển cử sớm do lo ngại rủi ro. Trong sáng 2/9, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, người của Công đảng, đã lên tiếng cảnh báo đảng của mình phải cảnh giác trước cái bẫy “tuyển cử sớm” của ông Boris Johnson.

Theo ông Blair, trong bối cảnh chính trị Anh hiện nay, tuyển cử sớm đồng nghĩa với việc chắc chắn sẽ rời EU mà không có thoả thuận Brexit, bất chấp việc trước đó thủ lĩnh Công đảng Jeremy Corbyn tuyên bố chấp nhận tuyển cử sớm nếu điều đó xảy ra./.