Phát biểu với báo giới, ông Robert Bell đặc phái viên của Mỹ tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho biết, việc Mỹ khởi động hệ thống phòng thủ lá chắn tên lửa tại châu Âu là nhằm tăng cường khả năng phòng thủ, bảo vệ các nước đồng minh NATO ở châu Âu trước mối đe dọa tên lửa đạn đạo của Iran.
Ông Robert Bell khẳng định, hệ thống phòng thủ này không có năng lực chống lại Nga.
Hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo của Mỹ được đặt tại thị trấn Deveselu miền Nam Romania bao gồm một radar cảm biến mạnh, các thiết bị đánh chặn tên lửa, thiết bị liên lạc. Hệ thống này có khả năng phát hiện và tiêu diệt một tên lửa bắn vào không gian. Ngoài ra, hệ thống này còn có khả năng bảo vệ lãnh thổ Romania trước các cuộc tấn công bằng tên lửa tầm ngắn và tầm trung. Tên lửa đánh chặn có thể được phóng từ các tàu ở Địa Trung Hải hoặc các cơ sở trên mặt đất.
Giới chức quân sự Mỹ cho biết, Mỹ sẽ sớm thiết lập một hệ thống lá chắn tên lửa thứ hai tại Ba Lan, đồng thời tuyên bố đến năm 2018, hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của nước này sẽ bao phủ toàn châu Âu.
Từ lâu, Nga luôn phản đối NATO lập hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu khi cho rằng, hệ thống phòng thủ của Mỹ được thiết lập để chống lại các đơn vị chiến lược Nga. Chính quyền Moscow cảnh báo sẽ đáp trả bằng khả năng quân sự tương ứng.
Tuần trước, Đại sứ Nga tại NATO Alexander Grushko cảnh báo, hệ thống phòng thủ tên lửa lá chắn của Mỹ tai Đông Âu sẽ gây ra một mối đe dọa cho toàn khu vực. Nga cũng đã nhiều lần cảnh báo các quốc gia như Romania, Thụy Điển, Ba Lan... nếu các nước này tham gia dự án lá chắn tên lửa của NATO./.
Nga nắm rõ thông tin về hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ