Động thái này đánh dấu việc lần đầu tiên Moscow đóng góp trực tiếp cho một sứ mệnh quân sự của EU, đồng thời cũng là cơ hội để Nga mở rộng hơn nữa tầm ảnh hưởng của mình ở Châu Phi, vốn đang trở thành mảnh đất nóng bỏng trong cuộc chạy đua của các cường quốc lớn.

Theo thoả thuận đã ký kết với EU hôm 5 tháng 11 vừa qua, Nga sẽ hỗ trợ EU trong việc bình ổn các khu vực ở miền Đông của Sark và cộng hoà Trung Phi giáp biên giới với khu vực Darfur bất ổn của Sudan bằng việc đưa hàng hoá và nhân viên cứu trợ đến khu vực này. Người phát ngôn của Không quân Nga, Đại tá Vladimia Drik cho biết hôm 8/12, Nga đã thực hiện những chuyến bay quân sự đầu tiên theo thoả thuận này để vận chuyển 40 tấn hàng hoá cùng một số nhân viên gìn giữ hoà bình đến cộng hoà Sark. Nó cũng được nhìn nhận là sự đóng góp trực tiếp đầu tiên của Nga cho sứ mệnh quân sự  EU tại nước ngoài. 

Theo các nhà phân tích, các hành động của Nga hoàn toàn có thể hiểu được trong bối cảnh cuộc họp thượng đỉnh Nga – EU vừa diễn ra tại Pháp hồi tuần trước đạt được những kết quả khả quan, trong đó đặc biệt là những cam kết thúc đẩy hợp tác song phương. Mặc dù mối quan hệ Nga – EU đã bị đẩy theo chiều hướng xấu đi sau cuộc xung đột tại khu vực Kavkaz, song cả hai bên đều nhận thấy sẽ là sai lầm nếu như mối quan hệ này bị cắt đứt. Bởi vì trên thực tế, đây là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi. Nga thực sự không có lý do gì để đổ thêm dầu vào lửa cho mối quan hệ Nga – EU vốn đang ấm dần lên trong những ngày qua. Đặc biệt là khi EU đã chính thức “xuống nước” đề nghị nối lại đàm phán về Hiệp ước đối tác và hợp tác mới với Nga.

Không những thế, chính bản thân Nga cũng đã đưa ra đề nghị thiết lập một Hiệp ước an ninh mới với Châu Âu và hai bên sẽ chính thức thảo luận về vấn đề này vào tháng 6/2009. Chính bản thân Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, Chủ tịch luân phiên của EU cũng cho rằng cần phải có sự hợp tác mạnh mẽ trong vấn đề đảm bảo an ninh trên toàn thế giới, mà Nga là một trong những đối tác quan trọng nhất. Chính vì vậy, việc thực hiện thoả thuận với EU cũng không nằm ngoài mục đích xây dựng lại lòng tin giữa hai bên. Và không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ lực lượng gìn giữ hoà bình ở Cộng hoà Sark, Nga cam kết sẽ tiếp tục gửi hàng hoá và nhân viên đến Sudan và nhiều khu vực bất ổn khác ở Châu Phi.

Song cũng có nhiều ý kiến cho rằng, việc Nga vận chuyển hàng hoá và nhân viên đến Sark, một nước cộng hoà thuộc Châu Phi là đã thực hiện nhắm đến “một mục tiêu mà trúng hai đích”. Một mặt “hâm nóng” quan hệ với EU nhưng mặt khác, Nga cũng muốn tranh thủ để mở rộng tầm ảnh hưởng của mình tới khu vực này. Nhận định này không phải không có cơ sở. Trong bối cảnh các cường quốc lớn đều đang hướng đến châu Phi như một mảnh đất giàu tài nguyên, khoáng sản, thì Nga sẽ không đứng ngoài cuộc. Tất nhiên không phải chờ đến khi thực hiện thoả thuận với EU, Nga mới thực hiện chính sách hướng đến Châu Phi. Ngay khi Liên Hiệp Quốc đặt nhiệm vụ gìn giữ hoà bình tại Sudan cuối năm 2005, thì tháng 4 năm 2006, người Nga đã có mặt tại Khắc tum và nhiệm vụ của họ sẽ tiếp tục duy trì đến năm 2012. Nga cũng thường xuyên vận chuyển hàng hoá và nhân viên đến các khu vực nóng bỏng này. Các đây chưa đầy 3 tuần, Nga đã gửi hơn 200 tấn hàng hoá và nhân viên cứu trợ đến Darfur của Sudan và cam kết sẽ hỗ trợ để duy trì sự ổn định chính trị ở đất nước này. Gần đây nhất là ngày 8/12, ông Mikhail Margelov, người đứng đầu uỷ ban đối ngoại của Hội đồng liên bang đã được chỉ định là đặc phái viên đặc biệt của Nga tại Sudan. Phát biểu với báo chí, ông Margelov khẳng định “chúng ta phải mở rộng các quan hệ hợp tác với các nước châu Phi và thiết lập mối quan hệ đặc biệt với khu vực này”./.