Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm qua (29/12) tuyên bố không loại trừ khả năng gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin ngay đầu năm tới, trong khi Tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng lên kế hoạch về các cuộc thảo luận tương tự.

Phát biểu với báo chí tại Delaware, Tổng thống Mỹ Joe Bidenhôm qua (29/12) đề cập khả năng một cuộc gặp Thượng đỉnh với người đồng cấp Nga Putin ngay sau cuộc đối thoại an ninh chiến lược giữa hai nước vào ngày 10/1 tới tại Geneva, Thụy Sĩ.  Mặc dù về mặt lý thuyết, cuộc đối thoại chủ yếu tập trung vào các thỏa thuận kiểm soát vũ khí giai đoạn hậu Chiến tranh Lạnh, song Ukraine cũng là một vấn đề được dự báo sẽ làm nóng chương trình nghị sự.

Không chỉ Mỹ, NATO cũng có ý định tổ chức các cuộc đàm phán riêng rẽ với Nga vào ngày 12/1 trước khi các bên bước vào cuộc họp của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu diễn ra một ngày sau đó. Cả Mỹ và NATO đều kỳ vọng đối thoại đạt kết quả tích cực.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói: “Chúng tôi sẵn sàng ngồi xuống nhưng chúng tôi sẽ không bao giờ thỏa hiệp về quyền của mỗi quốc gia có chủ quyền như Ukraine được lựa chọn con đường của riêng mình và các đồng minh NATO quyết định khi nào Ukraine sẵn sàng tham gia liên minh”.

Trong khi đó, phó Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Dmitry Polyanskiy cho biết, Nga đã sẵn sàng hội đàm an ninh với Mỹ và NATO, song điều quan trọng là các nước phương Tây phải có những cam kết bằng văn bản rằng sẽ không bao giờ mở rộng sang phía Đông hay kết nạp Ukraine:

 “Nga muốn có sự đảm bảo nghiêm túc trước tiên từ Mỹ và NATO. Chúng tôi đã kiên nhẫn trong một thời gian khá dài. Nhưng như bạn đã biết, thực tế là sau khi Liên Xô không còn tồn tại, đã có những lời hứa bằng miệng, những đảm bảo bằng miệng từ các nhà lãnh đạo phương Tây rằng NATO sẽ không mở rộng”.

Nga trước đó đã đưa ra hai dự thảo hiệp ước về vấn đề này, trong đó yêu cầu Mỹ và NATO có những đảm bảo đáng tin cậy và ràng buộc về pháp lý, loại trừ việc mở rộng về phía Đông và việc triển khai các hệ thống vũ khí tấn công ở các quốc gia giáp với Nga, trong đó có Ukraine.

Các chuyên gia cho rằng còn quá sớm để nhận định những cuộc gặp này sẽ xoa dịu được cuộc khủng hoảng ở Ukraine ngay tức thì khi cả hai bên đều vạch các “lằn ranh đỏ” rất rõ ràng. Tuy nhiên, chỉ riêng việc các bên nhất trí gặp nhau đã cho thấy xu thế đối thoại vẫn đang được duy trì. Điều này có thể giúp kiểm soát hiệu quả các bất đồng, tránh những sự cố không cần thiết./.